Nhà giáo Ngọc Thu cũng cho biết việc thí sinh nào là con cháu nhà ai ở Hòa Bình không phải mọi người không biết. Nên việc “lộ sáng” vừa qua là đương nhiên, làm sao mà giấu được mãi.
Tuy nhiên, theo nhà giáo Ngọc Thu, Quy chế của Bộ GD&ĐT quy định cũng thật hài hước. Quy chế quy định những người có người thân dự thi (gồm: cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng) tại tỉnh trong năm tổ chức kỳ thi không được tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.
Như vậy, thí sinh là cháu ông Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, trưởng ban chỉ đạo thi cụm thi Hòa Bình nên không thuộc đối tượng là “người thân” được quy định trong quy chế nên không vi phạm Quy chế thi.
Việc xử lý phụ huynh của thí sinh các cơ quan chức năng còn đang lúng túng lắm. Một nhà giáo khác của Hòa Bình cũng cho rằng để thực hiện được hành vi gian lận, không chỉ các cán bộ giáo dục bởi các khâu đều có sự bảo vệ, canh gác của lực lượng an ninh.
Ở vụ việc tiêu cực gian lận thi cử tại Sơn La, Hòa Bình, một điều vô lý khác mà GS. Phạm Tất Dong nhận thấy đó là cơ quan chức năng không công bố công khai danh sách phụ huynh có con được nâng điểm. Những thông tin mà dư luận có được đều do báo chí tìm hiểu đưa tin. Thông tin từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đến cơ quan điều tra đều “án binh bất động”.
Về xử lý phụ huynh, GS Phạm Tất Dong cho rằng đã vi phạm là phải xử lý nghiêm minh. Nhưng không thể cho cùng một rọ, tội đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó. Đối với học sinh, theo GS. Dong, phải đảm bảo cả quyền lợi cho những thí sinh bị thí sinh được nâng điểm chiếm chỗ. Năm học tới, quyền lợi của các em phải được đảm bảo. Như thế mới công bằng.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong thì quy chế thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT hiện nay đang có nhiều kẽ hở. Thứ nhất là hình thức xử lý gian lận thi cử không bao trùm được tất cả các trường hợp. Các quy định xử lý thí sinh gian lận đều liên quan đến việc xử lý vi phạm trực tiếp.
Trong khi đó, rõ ràng việc gian lận thi cử tại Sơn La, Hòa Bình có thể hiểu thí sinh được “tặng” điểm từ hành vi vi phạm của người khác mà có. Do đó, cần phải xử lý bài thi, tức là hủy bài thi của thí sinh. Tuy nhiên, đến giờ, Bộ GD&ĐT cũng chưa có quy định nào liên quan đến xử lý bài thi của thí sinh.
Phải chăng vì chính những kẽ hở này mà Bộ GD&ĐT không dám mạnh tay để xử lý vi phạm. Việc xử lý thí sinh do các trường quyết định. Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đang rà soát, tham khảo ý kiến chuyên gia pháp luật để hoàn thiện các quy chế, quy định của ngành để giải quyết những vấn đề thực tế phát sinh khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học, đặc biệt là qui định các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý được ngay đối với các loại vi phạm gián tiếp trong gian lận thi cử.