Gian lận thi Hòa Bình, Sơn La: GS Phạm Minh Hạc nói đã gian lận thì học gì nữa

GS Phạm Minh Hạc
GS Phạm Minh Hạc
TPO - “Gian lận rồi thì học gì nữa. Gian lận thi là phải kỉ luật”- GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm.

Danh tính, gia thế của các phụ huynh có con cháu được nâng điểm thi trong vụ án chấn động gian lận thi THPT quốc gia 2018 dần dần hé lộ. Sau Bí thư tỉnh uỷ, Phó Giám đốc Sở, doanh nghiệp lớn ở Hà Giang, những chức danh quyền lực của các phụ huynh Sơn La, Hòa Bình có con được nâng điểm đang bị điểm danh từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Chi Cục trưởng Chi Cục thuế, Công an…

Câu hỏi đặt ra là liệu phụ huynh có thể vô can trong chuỗi gian lận này. Xử lý các phụ huynh liên đới ra sao... Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, phụ huynh nào có tham gia vào việc sửa điểm cho con thì phải công khai danh tính.

“Việc công khai danh tính phụ huynh còn tùy thuộc  từng trường hợp. Trường hợp nào tham gia vào vụ việc thì phải công khai”- nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm. Và cái đó thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra.

Khi việc gian lận thi cử đã công khai, toàn xã hội biết thì danh tính của các thí sinh gian lận cũng cần phải công khai.

Gian lận thi Hòa Bình, Sơn La: GS Phạm Minh Hạc nói đã gian lận thì học gì nữa ảnh 1

Trong danh sách các thí sinh được nâng điểm ở Sơn La, có ít nhất ba trường hợp là con cán bộ chủ chốt Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La.

Gian lận thi Hòa Bình, Sơn La: GS Phạm Minh Hạc nói đã gian lận thì học gì nữa ảnh 2

Đồ họa nâng điểm thi ở Hoà Bình (Tạ Trang).

Gian lận thi thì phải kỉ luật

Trước thực tế 12 thí sinh trong danh sách 222 thí sinh được nâng điểm có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển nên vẫn được các trường ĐH cho học. Câu hỏi đặt ra là có nên hủy kết quả thi, buộc thôi học đối với tất cả TS này hay không? Nếu TS được nâng điểm vẫn theo học thì liệu có công bằng?

Hiện câu hỏi này còn khó trả lời vì lí do thiếu quy chế. Cụ thể, bởi trong 54 điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp 2018, chỉ duy nhất điều 49 quy định chế tài xử lý TS vi phạm quy chế thi nhưng hoàn toàn không có bất kỳ mục nào quy định chế tài xử lý TS gian lận điểm thi khâu chấm thi. Tất cả các chế tài đều chỉ hướng đến xử lý TS vi phạm trực tiếp, tức là bắt được "quả tang" TS vi phạm, như quay cóp, mang điện thoại vào phòng thi, nhờ người bên ngoài đọc lời giải, nhờ người thi hộ… mà không có chế tài cho gian lận gián tiếp.

Nhận định về vấn đề này, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, quy chế hiện hành đang thế nào thì phải thực hiện theo. Tuy nhiên, nếu không phù hợp, Bộ GD&ĐT – cơ quan chủ quản phải xem lại, thay đổi và sửa.

Theo GS Hạc, nguyên tắc là những em đã gian lận điểm thi như thế không đủ tư cách để vào trường. Những em học sinh đã gian lận thì phải bị đuổi ra, cũng không nên cho thi lại ngay mà cần để có thời gian sửa chữa đã rồi hãy cho thi lại. 

“Vì trường đại học đào tạo ra nguồn lao động, đó cả ra các cán bộ sau này mà đào tạo ra cán bộ hư đốn thế là không được. Mà các trường hợp này không nên vào các trường Y,  quân đội, công an vì các trường này không thể để có người gian lận vào được”- GS Hạc nói.

MỚI - NÓNG