Hội nhập ASEAN, Việt Nam chậm cả nhận thức lẫn hành động

Ngành sản xuất bánh kẹo của Việt Nam không còn được coi là nhạy cảm, cần bảo hộ bằng thuế nữa. Ảnh: Ngọc Châu
Ngành sản xuất bánh kẹo của Việt Nam không còn được coi là nhạy cảm, cần bảo hộ bằng thuế nữa. Ảnh: Ngọc Châu
TP - So với nhiều thành viên khác của ASEAN, Việt Nam chậm cả về nhận thức lẫn hành động cụ thể. Quá trình hội nhập Cộng đồng trên 3 trụ cột đặt Việt Nam trước nhiều thách thức lớn hơn các nước khác, nhất là về kinh tế.

Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và nhiều quan chức, chuyên gia tại Hội thảo “Cộng đồng ASEAN và Chương trình hành động của Việt Nam” do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 11/12 tại Hà Nội.

“Theo điều tra mới đây của một số học giả trong nước và của Ban thư ký ASEAN, nhận thức về Cộng đồng ASEAN, về cơ hội và thách thức từ việc hình thành Cộng đồng ASEAN của doanh nhân, của sinh viên và người dân nước ta nói chung ở mức thấp, nhất là so với các nước Singapore, Thái Lan và Malaysia”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu. Theo Phó Thủ tướng, so với các nước ASEAN, nhất là 6 thành viên ban đầu của khối (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan), hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ bé về quy mô, lạc hậu về công nghệ. Giới doanh nhân Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong cạnh tranh, trong kinh doanh quốc tế.

Cần đẩy mạnh hội nhập kinh tế trước

Tại hội thảo, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng nói rằng, Cộng đồng ASEAN hình thành cuối năm nay, nhưng nhiều khó khăn, cản trở gần như vẫn chưa giải quyết được. “ASEAN giờ họp xong còn có văn bản. Nhưng kể cả những văn bản do Hiệp hội đưa ra đến nay vẫn chưa có ràng buộc pháp lý”, ông nói. Giữa các nước trong cộng đồng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề biên giới lãnh thổ. Ông Phụng cho rằng, với những tồn tại đó, không dễ xây dựng lòng tin chiến lược, không dễ hòa giải để xây dựng lòng tin chính trị.

“Quá trình thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể triển khai Tầm nhìn trên cả ba trụ cột đặt chúng ta trước nhiều thách thức lớn hơn các nước khác, nhất là về kinh tế”  

                Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Theo ông Phụng, ASEAN còn thiếu đồng thuận trong chính sách đối ngoại, đối phó và xử lý quan hệ với các nước lớn, các nước bên ngoài Hiệp hội, trong khi các nước bên ngoài đang ra sức khai thác sự chia rẽ. ASEAN cũng dứt khoát không xây dựng liên minh, không phát triển cơ chế siêu quốc gia như EU, nhưng vẫn còn nhiều điều ASEAN chưa làm trong không gian của mình, như tập trận chung, ông nói. Ông Phụng cho rằng, hội  nhập về kinh tế của ASEAN có vẻ nổi lên, còn trụ cột chính trị, văn hóa có vẻ chìm xuống. Theo ông, ASEAN nên chú trọng hình thành cộng đồng kinh tế trước, giống như con đường phát triển EU đã đi, vì ASEAN vẫn còn quá khác biệt về chính trị. “Đẩy mạnh hội nhập kinh tế lên, rồi đến lúc sẽ hội nhập về chính trị”, ông Phụng nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, nếu hội nhập kinh tế tốt sẽ thúc đẩy hội nhập trong những lĩnh vực khác. Lĩnh vực chính trị, văn hóa còn rất nhiều tồn tại mà phải mất rất nhiều thời gian mới xử lý được. “ASEAN khác với EU là không có đầu đàn, không có nòng cốt, không ai bảo được ai nên càng khó dung hòa quyền lợi giữa các nước với nhau, càng khó tạo được đồng thuận cần thiết trong những trường hợp có tác động bên ngoài”, bà Lan nói.

Bà Lan cho rằng, ASEAN đang chịu tác động quá lớn từ bên ngoài. “Những nước đó vẫn nói lấy ASEAN làm trung tâm, nhưng liệu ASEAN có giữ vai trò trung tâm được không khi các nước lớn đóng vai trò chi phối hoặc liên kết với nhau để trở thành lực lượng chi phối trong khu vực này?”, bà nói. Theo bà, xu hướng ly tâm trong ASEAN sẽ tăng lên, thay vì hội tụ trong cộng đồng kinh tế; xu hướng này sẽ mạnh hơn khi có những hiệp định thương mại tự do khác hình thành. Bà Lan nói rằng, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 4 nước kém phát triển hơn trong khối và đang nhận viện trợ từ Sáng kiến Phát triển ASEAN.

Bà Lan cho rằng, khi hội nhập Cộng đồng ASEAN, Việt Nam phải xác định được lợi thế của mình là gì hay cần làm gì để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong ASEAN, để từ đó để vạch ra chương trình hành động đúng, chứ  “không thể chỉ nói khơi khơi, nói những điều đơn giản ai cũng làm được”. Theo bà, các cơ quan, nhất là các cơ quan về kinh tế, cần làm việc nghiêm túc để xác định chương trình hành động cho hợp lý, và bảo đảm chương trình hành động của Việt Nam trong ASEAN phải phù hợp với những chương trình hành động với các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán.

Nhiều thách thức về thương mại, đầu tư

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, về thương mại hàng hóa, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là từ nay đến 2018 phải loại bỏ nốt 7% dòng thuế nhạy cảm, tương đương khoảng 400 dòng thuế đối với 400 mặt hàng. Những dòng thuế này trước đây Việt Nam xếp vào danh mục nhạy cảm cao, nghĩa là những mặt hàng Việt Nam có năng lực cạnh tranh thấp, muốn duy trì mức thuế bảo hộ cao để doanh nghiệp và các ngành sản xuất này có thời gian nâng cao sức cạnh tranh của mình. Nhiều năm sau khi Việt Nam tham gia Khu vực Thương mại Tự do ASEAN, nhiều mặt hàng không còn được coi là nhạy cảm nữa do các doanh nghiệp đã nâng cao năng lực cạnh tranh, như đồ uống, bánh kẹo, sứ vệ sinh, kính xây dựng…

Tuy nhiên, có những mặt hàng được hưởng mức bảo hộ rất cao bằng cả biện pháp thuế và phi thuế trong suốt thời gian ấy nhưng không cải thiện được năng lực cạnh tranh, nên sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, như ô tô, đường… Đường được bảo hộ bằng thuế suất 80% và bảo hộ bằng hạn ngạch thuế quan (sẽ phải bỏ vào năm 2018).

Theo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam mặc dù đã cải thiện vị trí, song chưa bao giờ vượt qua được 6 nước thành viên ban đầu của ASEAN. Cạnh tranh nội bộ các nước ASEAN với nhau để thu hút nguồn đầu tư không giảm, thậm chí có thể có những hiện tượng như một số nguồn đầu tư ở Việt Nam sẽ chuyển sang các nước ASEAN khác khi không còn đường hưởng mức thuế bảo hộ cao nữa. Bài học thực tế là khi Việt Nam bỏ thuế với mặt hàng điện tử trong ASEAN, Sony rút nhà máy sang Thái Lan, Sony Việt Nam lúc đó chỉ làm nhiệm vụ nhập khẩu.

Theo các chuyên gia kinh tế, về đầu tư, Việt Nam không nên quá lạc quan với đánh giá môi trường đầu tư của ASEAN sẽ tốt lên, có thể cạnh tranh với Trung Quốc, hút đầu tư từ Trung Quốc sang. Điều đó là có, nhưng nguồn đầu tư ấy về đâu, về Việt Nam hay sang Thái Lan, Indonesia… phụ thuộc vào mức độ cải cách môi trường đầu tư của từng nước. Hiện nay, trong đánh giá của các phòng thương mại về môi trường đầu tư, kinh doanh của các nước ASEAN, Việt Nam vẫn bị thang điểm thấp nhất trong 3 lĩnh vực: minh bạch chính sách (bao gồm tình trạng tham nhũng), chính sách thuế và hải quan.

MỚI - NÓNG