Các học giả quốc tế:

ASEAN thiếu chiến lược xử lý tranh chấp trên biển Đông

Các học giả tham gia hội thảo “Xây dựng lòng tin ở châu Á” do Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng tổ chức. Ảnh: Trúc Quỳnh
Các học giả tham gia hội thảo “Xây dựng lòng tin ở châu Á” do Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng tổ chức. Ảnh: Trúc Quỳnh
TP - Ngày 4/12 tại Hà Nội, các học giả nước ngoài nói rằng, dù ở vị trí người cầm lái trong những vấn đề liên quan khu vực, nhưng ASEAN thiếu chiến lược điều phối để xử lý vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, hiện như lái xe mà không biết đi đâu.

Nhiều học giả dự hội thảo quốc tế “Xây dựng lòng tin châu Á” diễn ra hôm qua tại Hà Nội đề cập những hạn chế của ASEAN trong giải quyết các thách thức khu vực, đặc biệt ở biển Đông.

Cảnh giác với chiến lược thâm sâu của Trung Quốc

TS William Choong ở Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Singapore, nói rằng, Trung Quốc đang làm chệch hướng những chỉ trích đối với chiến lược lấn biển, quân sự hóa 7 thực thể địa lý mà nước này thực hiện ở quần đảo Trường Sa bằng cách sử dụng đòn bẩy kinh tế.

Ông Choong cho rằng, nếu chỉ nhìn vào hợp tác kinh tế Trung Quốc - ASEAN sẽ thấy mọi thứ rất ổn. Nhưng không thể nghiên cứu mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN chỉ ở vấn đề kinh tế, mà quan trọng hơn là khía cạnh an ninh - chiến lược. Ông kể rằng, một cựu thư ký ASEAN vừa nói với ông: “Tôi làm việc cho ASEAN và mọi người ở ASEAN luôn nói rằng, ASEAN ở vị trí của người cầm lái trong những vấn đề liên quan đến khu vực. Nhưng lái xe lại không biết đi đâu”.

Theo ông Choong, cách tiếp cận đó của ASEAN đối với vấn đề biển Đông rất có vấn đề. Theo học giả này, những hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông tạo ra hiểm họa hiện hữu đối với các nước ASEAN cũng như vai trò chủ chốt của ASEAN trong các vấn đề khu vực.

Theo TS Choong, những năm gần đây, ASEAN chia rẽ về cách thức đối với việc Trung Quốc thách thức ở biển Đông. Năm 2012, vai trò chủ chốt của ASEAN bị giảm sút đáng kể khi lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của tổ chức, các bộ trưởng ASEAN không thể đưa ta tuyên bố chung, khi Campuchia đảm nhiệm vai trò chủ nhà. Điều tương tự lại vừa xảy ra ở Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng vào tháng 11/2015, khi Trung Quốc nỗ lực ngăn cản một bản tuyên bố chung đề cập những hành động của họ trên biển Đông.

Ngoài ra, thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử (COC) có tính ràng buộc pháp lý giữa Trung Quốc và ASEAN bị trì hoãn vô thời hạn. Trung Quốc đồng ý đẩy nhanh việc tham vấn để thiết lập COC, nhưng điều này không chắc được thực hiện cho đến khi Trung Quốc hoàn thành kế hoạch của họ về việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông và xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ một khu vực như vậy, TS Choong nhận định.

Ông Choong cho rằng, sự thất bại của ASEAN trong việc thúc đẩy COC cũng minh chứng cho việc thiếu một phản ứng rõ ràng và đoàn kết đối với chiến lược “cắt lát xúc xích” của Trung Quốc ở biển Đông. Trong cuộc đối đầu vào tháng 4/2012 giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, ASEAN giữ im lặng. Khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương  981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5/2014, ASEAN đã phản ứng bằng “quan ngại nghiêm trọng” về căng thẳng ở biển Đông và yêu cầu tất cả các bên liên quan “tự kiềm chế”. Nhưng ASEAN không đề cập Trung Quốc.

Phải mất một năm sau ASEAN mới đưa ra một tuyên bố chỉ trích việc lấn biển của Trung Quốc có khả năng “phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông”, TS Choong nói.  Hội nghị cấp cao ASEAN tại Malaysia vào tháng 4/2015 khẳng định một lần nữa tầm quan trọng của sự ổn định, tự do hàng hải ở biển Đông, và kêu gọi đẩy nhanh việc ký kết COC, nhưng vấn đề biển Đông hầu như không tiến triển, trong khi Bắc Kinh cho rằng, ASEAN không phải diễn đàn thích hợp để thảo luận tranh chấp ở biển Đông. Trung Quốc cũng không quan tâm lời kêu gọi của ASEAN về việc tuân thủ các quy định của pháp luật, thể hiện qua sự miễn cưỡng của Bắc Kinh trong việc làm rõ các đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

GS Renato Cruz De Castro, Khoa Quốc tế học, ĐH De La Salle (Philippines), nói rằng, điểm mấu chốt trong cách hoạt động của ASEAN trong đối ngoại là thuyết phục đạo đức. Theo GS Castro, định hướng này hạn chế khả năng của ASEAN và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) trong việc duy trì hiện trạng hoặc thực hiện một sự thay đổi dần dần và hòa bình trong hệ thống khu vực. Nhiều vấn đề an ninh khu vực không thể được giải quyết thông qua đối thoại tại ARF và phương pháp xây dựng sự đồng thuận của ASEAN. ASEAN và ARF cho rằng, hầu hết các tranh chấp phát sinh do hiểu nhầm, thiếu niềm tin, và tranh cãi có thể được giảm nhẹ thông qua giao tiếp và xây dựng lòng tin.

Trên thực tế, nhiều xung đột lịch sử kéo dài xuất phát từ cạnh tranh tài nguyên, lợi thế chiến lược, kiểm soát dân số, lật đổ cán cân quyền lực, hay mong muốn trở thành bá chủ. Những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi các nước liên quan (thường là cường quốc) đồng ý thỏa hiệp hoặc giải quyết thông qua xung đột hệ thống hoặc một cuộc chiến tranh bá quyền, GS Castro nói.

Mỹ khó tìm đối tác triển khai tự do hàng hải

Ngày 27/10, tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ tiến sát đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa - nơi Trung Quốc đã thực hiện xâm lấn mở rộng và quân sự hóa. Nhưng giới phân tích cho rằng, không chắc các nước ASEAN sẽ tham gia cùng Mỹ trong việc thực hiện quyền tự do hàng hải ở biển Đông. Theo TS Choong, những nước như Lào, Campuchia, Myanmar vừa không có năng lực vừa không hứng thú tham gia. Nếu không có đối tác trong ASEAN, hoạt động như vậy của Mỹ sẽ bị Trung Quốc coi là hành động của một cường quốc bên ngoài can dự vào khu vực, ông Choong nói. Hai ứng viên tiềm năng nhất có thể phối hợp với Mỹ là Nhật Bản và Úc lại không thuộc ASEAN. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang bận xử lý những vấn đề của họ trên biển Hoa Đông.

Về vấn đề xây dựng lòng tin ở châu Á, ông Choong dẫn lại lời của Mạnh Tử rằng, khi đối phó một nước nhỏ, nước lớn nên thể hiện sự bao dung, và khi đối phó một nước lớn, nước nhỏ nên dùng sự khôn ngoan. Các nước lớn và các nước nhỏ có thể có cách hiểu khác nhau về khái niệm này cũng như cụm từ “lòng tin chiến lược lẫn nhau”. Nhưng cả hai bên đều cần một tiến trình quan hệ đối tác thực sự, trong đó mỗi bên có trách nhiệm quan tâm để đảm bảo giấc mơ của bên này không trở thành ác mộng của bên kia, TS Choong nói. 

Cẩn thận với “Một vành đai, một con đường”

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề hội thảo, TS William Choong nói rằng, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” mà Trung Quốc đưa ra gần đây chủ yếu mang ý nghĩa kinh tế, và nhiều nước, nhiều công ty trong ASEAN hứng thú với dự án kết nối này. Ông Choong cho rằng, sáng kiến không liên quan các tranh chấp ở biển Đông, nhưng Trung Quốc cũng thiết kế nó để đưa ASEAN vào tầm ảnh hưởng kinh tế của họ. Theo ông, cần cẩn thận với điều đó, vì “nếu quá mong muốn kết nối, bạn sẽ nhận ra bạn quá gắn bó với Trung Quốc, và sẽ không còn nhiều tự do để quyết định điều gì bạn có thể làm trong chính sách đối ngoại của mình”, ông Choong nói.

MỚI - NÓNG