Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh:

Duy trì hòa bình ở biển Đông- Lợi ích chung của ASEAN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 18 diễn ra ngày 21/11 tại Malaysia (Trong ảnh: Các trưởng đoàn chụp ảnh chung). Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 18 diễn ra ngày 21/11 tại Malaysia (Trong ảnh: Các trưởng đoàn chụp ảnh chung). Ảnh: TTXVN
TP - Chiều 23/11, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội về việc thành lập Cộng đồng ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, tất cả các nước trong cộng đồng đều thống nhất quan điểm là duy trì hoà bình ở biển Đông là lợi ích chung. Còn việc giải quyết bất đồng về vấn đề chủ quyền thì phải là các nước liên quan trực tiếp…

Tự do tìm kiếm việc làm

Những thuận lợi của Việt Nam khi chính thức bước chân vào Cộng đồng ASEAN từ 31/12/2015?

Cộng đồng ASEAN có vai trò hết sức quan trọng vì hiện đây là một trong những trung tâm của thế giới, một tổ chức có vai trò lớn mà tất cả các nước đều coi trọng. Không có tổ chức nào mà các nước lớn, các nước quan trọng đều muốn làm đối tác như thế. Điều đó cho thấy vai trò của ASEAN rất cao.

Về mặt kinh tế, rõ ràng đây sẽ là một cộng đồng có cơ sở kinh tế chung, cơ sở sản xuất chung. Nếu tận dụng được như vậy thì thị trường của chúng ta không chỉ là 90 triệu dân này nữa mà sẽ có thị trường với 620 triệu dân của cả cộng đồng. Mỗi doanh nghiệp, người dân sẽ phải thay đổi cách sản xuất để nhắm vào một thị trường lớn hơn. Sự cạnh tranh khi đó không phải trong phạm vi đất nước 90 triệu dân nữa mà sự cạnh tranh ở trong một thị trường 620 triệu dân. Người dân cũng được tự do di chuyển nên rất thuận lợi cho việc tiếp cận, đi làm ăn, học hành, du lịch…

Ông có thể cho biết rõ hơn về việc chuyển dịch lao động, các lĩnh vực cụ thể?

Duy trì hòa bình ở biển Đông- Lợi ích chung của ASEAN ảnh 1

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Tất cả các lĩnh vực, theo các tiêu chuẩn mà người ta có nhu cầu về lao động kỹ thuật cao. Ví dụ, hiện nay, lao động kỹ thuật cao của Việt Nam mình có trình độ cao về công nghệ thông tin nên đi làm ở các nước rất nhiều. Rõ ràng bên ngoài trả lương nhiều hơn, trong khi trong nước không có điều kiện tương xứng bằng thì họ sẵn sàng ra ngoài ngay. Mà nước nào cũng cần những lao động kỹ thuật cao. Người dân có thể tự do di chuyển để tìm kiếm cơ hội, việc làm. Đó là điều đương nhiên trong một cộng đồng.

Không có mâu thuẫn trong ASEAN

Vẫn còn ý kiến băn khoăn về việc Cộng đồng ASEAN mới chỉ triển khai sâu rộng ở trụ cột kinh tế?

Nói đến 31/12/2015, các nước trở thành cộng đồng không có nghĩa là đánh kẻng và lập tức cả khối trở thành cộng đồng. Quá trình này đã được tịnh tiến từ khi Hiến chương ASEAN được thông qua và thành lập cộng đồng hướng đến mục tiêu cụ thể. Ví dụ, trong chính trị, có hơn 300 đầu việc, trong kinh tế có hơn 500 mục tiêu, văn hóa-xã hội cũng 200-300 mục tiêu thì đến thời điểm này, về cơ bản, các mục tiêu đặt ra đã được thực hiện. Đối với Việt Nam, chúng ta đã hoàn thành 95% mục tiêu, có nghĩa là những mục tiêu đề ra từ đầu đã được đưa dần vào chính sách, đi vào cuộc sống rồi. Đơn cử như vấn đề visa giữa các nước ASEAN, chúng ta đã bỏ rồi. Giờ bất cứ người dân nào cầm hộ chiếu của mình là có thể đi lại trong 10 nước ASEAN với nhau… Nói thế để thấy cộng đồng thực sự hiện đã đi vào hoạt động rồi, nhưng người ta lấy mốc 31/12/2015 để khẳng định là 100% mục tiêu đề ra được hoàn thành, cộng đồng vận hành đầy đủ.

Nhưng đối với vấn đề biển Đông, ASEAN chưa thực sự thống nhất?

Vấn đề nào cũng xét trên góc độ lợi ích chung và lợi ích của từng nước, từng nhóm nước. Bất cứ cộng đồng nào cũng có vấn đề đó. Lợi ích chung của tất cả các nước ASEAN là duy trì hòa bình trong khu vực mà duy trì hòa bình ở biển Đông cũng là lợi ích chung. Còn việc giải quyết các bất đồng về vấn đề chủ quyền thì phải là các nước liên quan trực tiếp. Còn các nước trong cộng đồng thì đều thống nhất quan điểm là duy trì hòa bình, an ninh trên biển. Vừa qua, trong ASEAN đã thống nhất với nhau về vấn đề duy trì hòa bình này nên mới cùng nhau phát triển Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông. Đó là những mục đích chung. Không thể nói những diễn biến trên biển Đông vừa qua là có mâu thuẫn giữa các nước. Không có mâu thuẫn gì cả. Vấn đề đã được đưa ra và các nước ASEAN thấy rằng, quan điểm chung là cần duy trì hòa bình, an ninh.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.