Nhân dịp này, chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi với Tiền Phong về việc thành lập Cộng đồng ASEAN cuối năm nay, thúc đẩy 10 thành viên liên kết hiệu quả hơn, tăng cường đoàn kết cũng như vai trò của khối trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực.
TS Trần Đình Lâm (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á): Tăng cường đoàn kết
Việc thành lập cộng đồng chung ASEAN còn tồn tại những trở ngại nào, làm sao để khắc phục, thưa ông?
Hiện còn tồn tại một số trở ngại, như sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa, địa lý, trình độ phát triển kinh tế, sự mất cân đối trong nội bộ từng nước, và thiếu nhất quán trong việc đánh giá tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Theo bảng khảo sát của ASEAN, công tác chuẩn bị cho việc hình thành cộng đồng kinh tế hiện được 92%, cộng đồng văn hóa - xã hội 82%, còn cộng đồng chính trị - an ninh chỉ được 12%. Trở ngại lớn nhất cho việc xây dựng cộng đồng chung là về vấn đề chính trị và an ninh. Để khắc phục trở ngại này, đòi hỏi tăng cường đoàn kết trong cộng đồng ASEAN để tìm giải pháp lâu dài cho những xung đột, chống lại các yêu sách vô lý của Trung Quốc. Mười thành viên cần có tiếng nói chung về biển Đông. Trên cơ sở bảng điểm của ASEAN về cộng đồng kinh tế, cần có lựa chọn ưu tiên, các nước cùng hợp tác với nhau để chia sẻ và khai thác tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, xem đây là điều kiện tiên quyết đưa đến thành công. Các nước giúp đỡ nhau trong việc quản lý tài nguyên hiệu quả nhất, cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tùy lợi thế cạnh tranh của từng nước mà có thể điều phối trong việc sản xuất sản phẩm tối ưu nhất.
Sau khi cộng đồng chung thành hình, liệu có xuất hiện hiện tượng kẻ mạnh càng mạnh lên, kẻ yếu càng yếu đi?
TS Trần Đình Lâm (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á)
Nhóm các nước kém phát triển trong cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ có nhiều thách thức do nội lực yếu kém của mình khó cạnh tranh với những nước có nhiều kinh nghiệm quản lý về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư, cũng như tổ chức kinh doanh. Thêm vào đó, nguồn nhân lực đào tạo không phù hợp sẽ dẫn đến năng suất lao động thấp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nhóm nước này không quan tâm nhiều đến cộng đồng kinh tế, thiếu sự chuẩn bị cho việc hội nhập nên có thể vướng nhiều rủi ro. Vì vậy, bộ máy hành chính quản lý đất nước cần được chuyên môn hóa, gọn nhẹ, quản lý bởi những nhà kỹ trị có đào tạo, có sự canh tranh, sàng lọc. Các viên chức làm việc với trách nhiệm và tự hào vì được phục vụ cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ phát triển kinh doanh, đóng thuế nhiều cho nhà nước để chính phủ trả lương cao cho mình, đem lại thịnh vượng chung cho ASEAN. Trong thực tế, Singapore đã làm tốt những điều này, khi những năm 1960 chỉ là một làng chài nghèo, hôm nay đã trở thành một nước giàu mạnh, kinh tế phồn vinh, GDP trên đầu người hơn 56.400 đô la. Trong khi đó, Myanmar những năm 1960 kinh tế giàu mạnh nhất Đông Nam Á, từng xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, nơi tài nguyên thiên nhiên giàu có, nhiều đá quý như bích ngọc, hồng ngọc… chiếm đến 90% của thế giới. Sau một thời gian thực hiện chính sách đóng cửa, ngày nay là nước nghèo nhất Đông Nam Á, GDP trên đầu người chỉ hơn 1.200 đô la. Tuy vậy, những thay đổi tích cực trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại Myanmar cho thấy niềm tin của người dân đang trỗi dậy, hăm hở xây dựng lại đất nước, hướng đến một cộng đồng ASEAN hội nhập, hòa bình và chia sẻ những giá trị chung. ASEAN luôn luôn bảo vệ tiếng nói chung của cộng đồng, đoàn kết, tránh xung đột, hướng đến những giá trị nhân văn trong phát triển.
GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc): Kiên trì COC
Trung Quốc nhìn nhận sự đoàn kết của ASEAN như thế nào? ASEAN nên phản ứng ra sao, theo ông?
GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc)
Trung Quốc quan tâm một điều là ASEAN không quá mạnh và ASEAN cũng không quá yếu. Trung Quốc muốn một ASEAN dễ bảo, một ASEAN dung chứa các ước nguyện của Trung Quốc. Vì ASEAN hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận nên Trung Quốc có thể “ve vãn” Campuchia, ví dụ thế, để ngăn ASEAN thực hiện các chính sách mà Trung Quốc không thích, nhất là liên quan vấn đề biển Đông. Ở đây, các nước ASEAN như từng chiếc đũa trong một bó đũa. Bẽ từng chiếc dễ, bẻ cả bó khó. Hiện nay, ASEAN chỉ có thể sử dụng đối thoại để thúc giục Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và chuẩn mực khu vực. ASEAN nên kiên trì, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc đồng ý về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vì không còn lựa chọn khả thi nào khác.
Giữa tháng 11, Indonesia bất ngờ tuyên bố, nước này có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. Trong khi đó, Indonesia dường như muốn tăng cường vai trò điều phối của mình giữa ASEAN và Trung Quốc. Ông nghĩ sao?
Chính quyền của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã và đang áp dụng các bước đi để tăng năng lực bảo vệ chủ quyền, đặc biệt là vùng biển quanh quần đảo Natuna. Indonesia dưới thời Tổng thống Widodo được cho là chán nản vì sự xáo trộn của ASEAN và nước này đang tìm cách đóng vai trò độc lập cao hơn. Nhưng tùy ASEAN quyết định việc cho phép Indonesia đóng vai trò trung gian nói chuyện. Quan hệ ASEAN với Trung Quốc là trách nhiệm của nước điều phối, năm nay là Singapore.
Cảm ơn ông.