Không thuộc thẩm quyền của hội
Đề cập quyền và nghĩa vụ của hội tại dự thảo Luật về Hội, ĐB Nguyễn Sỹ Cương, dẫn chứng câu chuyện dư luận ồn ào, nổi sóng khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố hàm lượng thạch tín còn gọi là arsen trong nước mắm, gây hoang mang cho người tiêu dùng và làm thiệt hại cho sản xuất nước mắm truyền thống trong cả nước.
“Việc làm trên của Vinastas là không phù hợp Công bố tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải là thẩm quyền của hội”, ông Cương nói.
Theo ông Cương, hậu quả của việc công bố trái phép trên của Vinastas, tới đây sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý, có thể phải yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nhưng qua vụ việc này đặt ra cho Luật về Hội một việc cần phải xem xét tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật. “Hiện nay quy định này được đưa lên thành quy định cấm trong dự thảo luật. Tuy nhiên cần quy định rộng hơn theo hướng không cho phép các hội làm những việc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Cương đề xuất.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) thì băn khoăn về quy định cán bộ công chức tham gia thành lập hội hoặc thành viên của hội. Bởi cán bộ, công chức nhà nước hoạt động công vụ và hưởng lương từ ngân sách thì phải có trách nhiệm phục vụ hoạt động công vụ, nếu để cán bộ công chức tham gia hội sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý nhà nước và không khách quan trong việc quản lý điều hành. Bà Hiền dẫn dụ, nếu như công chức của Cục an toàn thực phẩm tham gia Hiệp hội sữa; cán bộ ở Bộ Công Thương cấp phép về phân bón nhưng lại tham gia Hiệp hội phân bón thì sẽ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. “Đề nghị dự thảo luật cần cân nhắc thật kỹ việc cán bộ công chức nhà nước tham gia thành lập hoặc tham gia làm thành viên của hội”, bà Hiền kiến nghị.
Bỏ tư duy không quản được thì cấm
Một quy định khác trong dự thảo luật cũng gây nhiều băn khoăn là việc hội không được liên kết, không ra nhập hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Theo ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông), quy định trên không phù hợp với Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, không tạo điều kiện để các hội tham gia thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Mặt khác, sẽ tạo ra vướng mắc, cản trở cho hoạt động của nhiều tổ chức hội ở Việt Nam. Ví dụ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hiện là thành viên của Hội Chữ thập đỏ quốc tế. Như vậy, nếu như Luật về Hội được thông qua như dự thảo thì Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không được hoạt động theo nguyên tắc của phong trào chữ thập đỏ Quốc tế, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tổ chức Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và ảnh hưởng quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay.
Đề cập đến hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) băn khoăn, nếu quy định như trên được thông qua thì liệu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có phải rút ra khỏi Liên đoàn Bóng đá thế giới hay không? Liệu đội tuyển bóng đá Việt Nam có được đá bóng nữa không. “Điều này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, làm mất đi sự chủ động trong hội nhập”, ông Khải lo lắng.
Đồng tình với những ý kiến trên, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, quy định trên sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với những hội nghề nghiệp chuyên môn nhất là trong lĩnh vực y tế và nhân đạo. Bà Lan đề nghị cần bỏ tư duy không quản được thì cấm. Làm sao để thấy áp dụng luật mới thì hội sẽ có động lực phát triển, hoạt động hiệu quả, phải tập hợp được quần chúng, khắc phục được căn bệnh hình thức, phát huy tinh thần tự quản, phản biện là kênh giám sát, hỗ trợ cho quản lý nhà nước trong một xã hội ngày càng phát triển.
Trước quá nhiều những ý kiến khác nhau, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị Quốc hội xem xét để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cho thật chu đáo, tạo sự đồng thuận cao thì mới thông qua. Từ đó, ông Tân “xin” Quốc hội cho hoàn chỉnh dự thảo để trình dự thảo Luật về Hội trong kỳ họp sau.