Theo ban soạn thảo, mục tiêu khi xây dựng Luật này nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Trên cơ sở đó, tiếp tục cắt giảm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm.
Bên cạnh đó, củng cố, hoàn thiện chính sách bảo hộ và khuyến khích đầu tư nhằm tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp về tính an toàn, thân thiện của môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung cũng như tính hấp dẫn và ổn định trong hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư nói riêng...
Thẩm tra dự án Luật, Uỷ ban Kinh tế cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi liên quan đến 12 Luật hiện hành bao gồm: Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật bảo vệ môi trường, Luật quản lý thuế, Luật quảng cáo, Luật nhà ở, Luật khoáng sản, Luật điện ảnh, Luật đấu thầu và Luật quy hoạch đô thị.
Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, đa số ý kiến đều thống nhất quan điểm về việc cần tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, việc Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong đó nội dung sửa đổi liên quan đến 12 Luật hiện hành là quá nhiều, nội dung sửa đổi của từng luật cũng khá lớn (tổng cộng liên quan đến 89 điều trong các Luật hiện hành), trong đó có nhiều luật mới có hiệu lực thi hành.
Ban thẩm tra cho rằng, việc sửa đổi số lượng lớn các điều nhưng chưa làm rõ được tính cấp thiết của các nội dung sửa đổi; tính thống nhất trong nội tại các Luật hiện hành sau khi sửa đổi; tính thống nhất, đồng bộ giữa các Luật hiện hành được sửa đổi với nhau và với toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh tế; các Luật được đưa vào sửa đổi có một số Luật vừa có hiệu lực từ năm 2015 như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật bảo vệ môi trường... chưa có nhiều thời gian kiểm nghiệm thực tiễn và chưa có đánh giá tác động của các luật này đến môi trường đầu tư kinh doanh. Một số nội dung dự kiến sửa đổi gây mâu thuẫn, không thống nhất, đồng bộ trong nội tại của luật hiện hành và trong cả hệ thống pháp luật.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các nội dung sửa đổi, bổ sung và chỉ đưa ra các nội dung thực sự cấp thiết gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp và cần có sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan quản lý nhà nước; không đưa vào sửa đổi, bổ sung những nội dung chỉ nhằm giải quyết những vướng mắc phát sinh từ việc thi hành, áp dụng pháp luật để đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung mang tính khả thi.
Tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Cơ quan soạn thảo đã rà soát thống nhất phạm vi sửa đổi bao gồm các vấn đề cấp thiết gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp trong 3 Luật là: Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và Luật xây dựng.
Theo kế hoạch, dự án Luật này được trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Ủng hộ chủ trương của Chính phủ, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án Luật này về quy trình, thủ tục, hồ sơ chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nếu không được xem xét thận trọng, không những không tạo điều kiện mà còn gây cản trở.
Do vậy, Uỷ ban Thường vụ thống nhất đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại, giao ban soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và chưa trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ hai tới đây.