Thích làm “con” nhà nước
Trong những lý do CPH DNNN không đạt như mục tiêu đặt ra, các cơ quan quản lý đều chỉ ra có nguyên nhân từ cơ quan chủ quản và lãnh đạo DNNN không muốn “thoát” nhà nước. Điển hình như hầu hết các DN thuộc Bộ Xây dựng dù CPH, bộ này vẫn cố giữ lại đa số cổ phần chi phối (trên 51%). Như trường hợp của Tổng Cty Lắp máy Việt Nam (Lilama), dù IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) có thể xem là thất bại, khi chỉ bán được 3% (nhà nước vẫn nẵm giữ 97%) cổ phần, nhưng chính lãnh đạo Lilama cũng không cảm thấy buồn.
“Nếu có người mua nhưng chắc gì đã giữ được ngành cơ khí, rồi hàng chục ngàn công nhân của mình sẽ ra sao? Dù sao Lilama đang nuôi hơn hai chục ngàn con người và gia đình họ. Chưa kể, không có nhà thầu như Lilama thì các DN nước ngoài sẽ bắt tay nhau nâng giá, lũng đoạn thị trường Việt Nam”, lãnh đạo Lilama chia sẻ. Theo ông, thời điểm này nên giữ Lilama như là giữ nền cơ khí nước nhà.
Tương tự, khi được hỏi về khả năng thoái vốn nhà nước tại Cty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng giám đốc TISCO cho rằng, không nên xét dự án mở rộng nhà máy giai đoạn 2 còn hiệu quả hay không, mà hãy xét yếu tố kinh tế, xã hội địa phương, khi nhà máy tạo việc làm cho gần 6.000 lao động, và hàng ngàn lao động ở các DN phụ trợ. “Ngành thép là ngành xương sống của cơ khí chế tạo, cần quan tâm đặc biệt của Chính phủ để phát triển, đặc biệt với những đơn vị đã có truyền thống, con người, có mỏ quặng như gang thép Thái Nguyên”, ông Diệp nói.
Theo ông Diệp, tỷ suất lợi nhuận của nhà máy gang thép Thái Nguyên không nhiều, nhà nước còn “chạy” thì còn nhà đầu tư nào muốn mua? Vì vậy, người đứng đầu TISCO đề nghị nhà nước đầu tư tiếp, khi hoạt động hiệu quả sẽ bán và thu hồi vốn. “Nếu tư nhân quản lý nhà máy thì 1 nửa số công nhân sẽ phải ra đường, họ sẽ đi đâu?”, ông Diệp tỏ ra lo ngại.
Lãnh đạo Cty CP Đóng tàu Sông Cấm (thuộc Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – SBIC) thừa nhận, là DNNN vẫn sướng hơn tư nhân. “Nhà nước có quan hệ đối tác trong và ngoài nước, hải quân, cảnh sát biển... có hợp đồng không mất công đi tìm. Khi cần đầu tư, mở rộng dùng nguồn lực nhà nước cũng dễ dàng hơn”, vị lãnh đạo Sông Cấm nói.
Nhờ đó, dù các DN đóng tàu khó khăn, Sông Cấm vẫn sống khỏe, doanh thu năm 2015 trên 800 tỷ đồng, lương bình quân của 1.200 công nhân viên trên 9 triệu đồng/tháng. Vì vậy, lãnh đạo Sông Cấm nửa muốn CPH toàn bộ, nửa lại muốn “níu kéo” nhà nước, với lý do vì người lao động, để ích nước, lợi nhà.
CPH xong yếu còn nguy hiểm hơn
Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DNNN, tiến độ CPH DNNN còn chậm so với yêu cầu do một số bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thật sự sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đồng thời, chưa tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình CPH.
Đơn cử như trường hợp của Cty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco), đơn vị này thực hiện IPO từ tháng 9/2005, và đã bán thành công 92,9% cổ phần cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, do thiếu sát sao của Hà Nội (chủ sở hữu), trực tiếp là Sở Tài chính Hà Nội (đơn vị giám sát), để xảy ra một số vấn đề lại không kịp giải quyết trong quá trình CPH Hacinco. Nên tới nay, đã 11 năm trôi qua, Hacinco vẫn chưa CPH thành công, chưa thể chuyển đổi thành công ty cổ phần, dù các nhà đầu tư đã bỏ hơn 37 tỷ đồng mua cổ phiếu công ty.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Chí Sỹ, nguyên Giám đốc Hacinco (giai đoạn CPH) cho rằng, việc CPH của Hacinco ách tắc để lại bao nỗi khó khăn cho DN và người lao động. Đặc biệt, Hacinco đang tồn tại ngoài khuôn khổ pháp lý, khi không phải công ty cổ phần cũng không phải công ty nhà nước.
Khi còn đương nhiệm Bộ trưởng KH&ĐT, ông Bùi Quang Vinh cho rằng, hiện chúng ta CPH DNNN mới tính trên đầu DN là chính, chất lượng cổ phần hóa rất thấp. Ông Vinh dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, chúng ta mới bán được khoảng 5% tổng giá trị DNNN, còn lại nhà nước vẫn nắm giữ. “Như vậy đã nói CPH DNNN rất mạnh mẽ thì không phải”, ông Vinh nói. Thậm chí, theo ông Vinh, chỉ bán 5% cổ phần rồi chuyển cơ chế quản lý từ DNNN sang DN cổ phần và hoạt động như DN tư nhân sẽ còn nguy hiểm hơn. Vì vẫn là vốn nhà nước, nhưng quản lý, giám sát của nhà nước giảm đi.
Nguyên Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, trước đây luôn quan niệm thống nhất sân bay, bến cảng không bao giờ cho tư nhân đụng vào, đó phải của nhà nước. Nhưng giờ không ai còn quan niệm như vậy, tư nhân nào cũng dưới quản lý của nhà nước, không bê cảng đó chạy đi nước khác được. “Những khái niệm, nhận thức như vậy đang dần đổi mới. Nhưng để đổi mới được không đơn giản”, ông Vinh nói.