Trong phiên giao dịch ngày 13/11, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 2.608,18 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9 trong phiên giao dịch trước. Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 0,3% lên 2.614,10 USD.
Kelvin Wong - nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA tại châu Á - Thái Bình Dương - cho biết: "Hiện tại, một số hoạt động săn hàng hời đang diễn ra khi giá vàng giảm xuống mức 2.600 USD. Các phiên giao dịch gần đây chứng kiến vàng bị ảnh hưởng tiêu cực do đồng USD mạnh hơn, kỳ vọng về chính sách lạm phát của ông Trump sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ cắt giảm lãi suất".
Theo Công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch dự đoán có 60,3% khả năng Fed cắt giảm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 12, giảm so với mức 77,3% của tuần trước. Vàng được xem là công cụ phòng ngừa lạm phát nhưng lãi suất cao làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Giá vàng thế giới đang biến động mạnh. |
Tuần này, thị trường tập trung vào dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI), số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và dữ liệu bán lẻ của Mỹ.
"Nếu số liệu CPI và PPI cho thấy xu hướng lạm phát vẫn được kiểm soát khá tốt thì giá vàng có thể tăng lên mức 2.650 USD", Wong nói thêm.
Ngoài ra, giới đầu tư chú ý đến phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức ngân hàng trung ương. Hai thống đốc ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cho biết lãi suất chính sách của Fed tiếp tục đóng vai trò kìm hãm thị trường lao động đang phục hồi, lạm phát vẫn ở mức cao hơn mục tiêu 2%.
Giá bạc giao ngay tăng 0,7% lên 30,91 USD/ounce sau khi chạm mức thấp nhất trong tháng. Bạch kim tăng 0,5% lên 952,80 đô la và palladium tăng 0,7% lên 951,13 USD.
Về thị trường nhiên liệu, giá dầu Brent tương lai tăng nhẹ 0,2% lên 72 USD/thùng, trong khi giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tăng 0,2% lên 68,26 USD, không chênh lệch nhiều so với phiên giao dịch trước, mức yếu nhất kể từ ngày 30/10.