Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam:
Bổ nhiệm người nhà gây băn khoăn trong cử tri
Qua tập hợp báo cáo kiến nghị của cử tri ở các tỉnh, thành phố gửi về MTTQ cho thấy, cử tri ghi nhận và đánh giá cao sự năng động, sát dân của lãnh đạo các cơ quan nhà nước đã thể hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn trong việc xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.
Cử tri cũng mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy vai trò đại diện, đưa những vấn đề nóng bỏng, bức xúc như tham nhũng, bổ nhiệm người nhà, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, công trình nghìn tỷ lãng phí… vào nghị trường để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Từ đó kiến nghị Quốc hội sửa đổi các quy định của pháp luật trong những vấn đề trên cho phù hợp với cuộc sống.
Về công tác cán bộ, cử tri và nhân dân hiện rất bức xúc trước tình trạng bổ nhiệm người nhà, “cả họ làm quan”, cả sở toàn lãnh đạo… Bên cạnh đó là tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nghìn tỷ nhưng lại liên tiếp thăng quan, tiến chức như vụ Trịnh Xuân Thanh. Điều khiến người dân không hài lòng là khi xảy ra những việc bổ nhiệm trên các cơ quan nhà nước đều khẳng định “bổ nhiệm đúng quy trình”. Vì thế, một số ý kiến đề nghị, trong kỳ họp này, Quốc hội cần tiến hành chất vấn Bộ Nội vụ để làm rõ việc bổ nhiệm trên, xem đúng quy trình nhưng có đúng người không. Qua chất vấn cũng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đồng thời kiến nghị Quốc hội và các cơ quan nhà nước sửa đổi các quy định của pháp luật về việc bổ nhiệm cán bộ cho phù hợp.
Đối với công tác phòng chống tham nhũng, cử tri và nhân dân ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên cử tri cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế, gây bức xúc. Cử tri đề nghị trong kỳ họp này Quốc hội cần thảo luận kỹ về công tác phòng chống tham nhũng, nhất là các quy định liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu. Chứ để xảy ra tham nhũng mà người đứng đầu chẳng chịu trách nhiệm gì thì nhân dân không hài lòng.
Về vấn đề an toàn thực phẩm, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành, tờ mờ sáng đã đi thị sát ở các chợ đầu mối, cánh đồng trồng rau, cơ sở chế biến thức ăn… Tuy nhiên, an toàn thực phẩm vẫn là nỗi lo thường trực của người dân. Vì thế nhân dân mong muốn Chính phủ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam trong việc tuyên truyền, giám sát, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Ông Bùi Sỹ Lợi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi:
Hoan nghênh việc điều chỉnh mức lương cơ sở
Vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với đề nghị của Chính phủ là trình ra Quốc hội việc điều chỉnh mức tiền lương cơ sở cho khu vực nhà nước tăng từ 7 - 8%. Mức điều chỉnh này tương đương với 90 nghìn đồng, nâng mức lương cơ sở từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng/tháng.
Mặc dù chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức, nhưng điều này đã thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, dành một phần ngân sách để cân đối vấn đề cải cách chính sách tiền lương.
Quốc hội và ngay cả bản thân tôi cũng rất hoan nghênh và coi đây là một giải pháp tình thế để giải quyết đời sống cho cán bộ công chức viên chức. Nhưng về mặt lâu dài, phải tính toán đến vấn đề cải cách chính sách tiền lương cả về tiền lương cơ sở, cả thang bảng lương, bội số lương, phụ cấp tiền lương để làm sao cán bộ, công chức của chúng ta đủ sống.
Muốn làm được điều này thì câu chuyện đầu tiên của Chính phủ là phải cải cách bộ máy hành chính, giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Thứ hai là chuyển cơ bản đơn vị sự nghiệp công sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo tinh thần phải lo lấy, làm lấy để ăn và chúng ta không bàn đến biên chế đó. Các đơn vị sự nghiệp công, nhà nước sẽ khoán chi phí theo kết quả đầu ra. Có như vậy mới cải cách được chính sách tiền lương một cách căn cơ.
Ông Nguyễn Quang Tuấn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội):
Đẩy mạnh y tế cơ sở, kết hợp bác sĩ gia đình
Vấn đề tôi quan tâm đầu tiên là lĩnh vực y tế cơ sở, bởi bây giờ chất lượng chưa đảm bảo, đang bị thiên lệch khi tập trung quá nhiều vào y tế trung ương, còn y tế xã, phường, vùng sâu, vùng xa chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn tới số lượng người rất lớn chưa được theo dõi điều trị đảm bảo. Không phải ai cũng có điều kiện lên các bệnh viện lớn tuyến trung ương, trong khi đó có rất nhiều bệnh có thể điều trị ngay tại cơ sở. Bộ Y tế đã có sự lồng ghép giữa bác sĩ gia đình với y tế xã, phường nhưng triển khai chưa được như mong muốn. Làm sao phải đẩy mạnh vấn đề này lên mới có thể chăm sóc sức khoẻ cho người dân được.
Chúng ta không thể dựa vào các bệnh viện lớn bởi bệnh viện chuyên sâu chỉ điều trị các loại bệnh khó, bệnh nặng, còn các loại bệnh thông thường, giờ có thể điều trị ở cơ sở được. Làm được điều này cũng góp phần chống tình trạng quá tải, cũng có nghĩa là thay đổi được hình ảnh của ngành Y tế Việt Nam.
Bên cạnh đó tôi cũng mong muốn phát triển bảo hiểm hộ gia đình. Sở dĩ người dân không tha thiết lắm chính vì y tế cơ sở chưa phát triển. Nếu y tế cơ sở phát triển lồng ghép bác sĩ gia đình, chắc chắn người dân sẽ tham gia bảo hiểm nhiều hơn, bởi vì họ được chăm sóc thực sự.