Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trung ương gương mẫu thì dân mới tin

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIII. Ảnh: Như Ý.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIII. Ảnh: Như Ý.
TP - Ngày 17/10, tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội) trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, muốn chống được tham nhũng, suy thoái thì từng cá nhân trong Trung ương phải gương mẫu thì dân mới tin.

Bày tỏ sự đau lòng trước tình trạng tham nhũng, suy thoái khiến nhân dân giảm lòng tin đối với Đảng, cử tri Trần Đình Ngạc (Hoàn Kiếm) nói, cả cuộc đời ông hy sinh vì Tổ quốc, không bao giờ tính toán cá nhân. Thế nhưng chỉ vì vấn nạn tham nhũng, lợi ích nhóm, nhân dân mất lòng tin vào Đảng. “Không có nhiệm vụ nào cấp bách bằng nhiệm vụ chống tham nhũng, chỉ có chống tham nhũng hiệu quả mới lấy lại được lòng tin trong nhân dân”, ông Ngạc nói.

Cán bộ nào cũng có thể thay thế được

Cử tri Nguyễn Văn Hiệp (Hoàn Kiếm) cũng cho rằng, từ trước đến nay niềm tin của nhân dân vào Đảng là rất lớn.  Tuy nhiên trong thời gian qua có rất nhiều vấn đề từ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… phức tạp, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, tâm tư tình cảm của người dân, làm giảm lòng tin vào Đảng. “Chúng ta có đội ngũ, bộ máy từ T.Ư đến địa phương nhưng sao tham nhũng vẫn nảy sinh. Vậy phải chăng đội ngũ cán bộ đang có vấn đề, bị lợi ích nhóm thao túng”, ông Hiệp nói.

Dẫn chứng vụ Formosa, ông Hiệp cho rằng, nguyên nhân không chỉ do “thế lực thù địch” kích động mà còn do đội ngũ cán bộ có vấn đề, khiến dân mất lòng tin. “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, có dân là có tất cả. Cán bộ nào chúng ta cũng có thể thay thế được nhưng nhân dân thì không thể thay thế được. Do đó Đảng cần phải nhìn thẳng vào vấn đề này để lấy lại lòng tin trong nhân dân”, ông Hiệp nói và kiến nghị Đảng và các cơ quan nhà nước cần có những quy định cụ thể để quy trách nhiệm những người giới thiệu, tiến cử cán bộ không đúng, không trúng. Đặc biệt, phải ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân trong cùng cơ quan, đơn vị, gây bức xúc trong dư luận.

Cử tri Trần Công Dân (Ba Đình) cho rằng, xử tham nhũng kinh tế đã khó nhưng tham nhũng quyền lực thì còn khó nhiều lần. “Bởi rút dây thì sợ động rừng, thậm chí cả cây gỗ quý. Nhưng phải tiếp tục, vì đây là ý dân”, ông Dân nói.

Có ai tự nhận khuyết điểm, kỷ luật đâu (?)

Cảm ơn những ý kiến tâm huyết, khách quan, xác đáng của cử tri, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nếu nhìn đâu cũng thấy tham nhũng, tiêu cực, cán bộ hư hỏng hết thì hết sức nguy hiểm. “Chúng ta phải thấy tự hào về Đảng, còn cái xấu kia thì đời nào cũng có, làm cái này nó lại đẻ ra cái khác, chứ nếu chỉ thấy xấu không thì rất nguy hại”, Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, sau Đại hội Đảng XII, bộ máy có một khí thế mới, xung lực mới, phong cách làm việc mới. Hiện cả bộ máy đang tích cực chuyển động theo chiều hướng tốt lên. Tuy nhiên, có những việc chưa thể hài lòng, nhất là khi những hiện tượng tiêu cực, những cái dai dẳng lâu rồi nhưng chưa làm được. Vì thế cần kiên trì, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm quyết liệt và có hiệu quả, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng, không để tình trạng “hy sinh đời bố củng cố đời con”.

Về xây dựng Đảng, chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, Tổng Bí thư cho rằng, đây là vấn đề vô cùng khó khăn. “Nhiều người bảo chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm càng khó hơn, vì tự ta đánh vào ta, ai dám tự phê bình, ai nhận mình khuyết điểm, ai nhận kỷ luật đâu? Kiểm điểm rất nghiêm túc nhưng xin được rút kinh nghiệm thế thôi. Thực tế cuộc sống như vậy, nên làm chưa được như mong muốn”, Tổng Bí thư chỉ rõ.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng, chống tham nhũng không phải làm một lần là xong, mà phải làm đi, làm lại như “đánh răng, rửa mặt hàng ngày”. Tổng Bí thư cho biết, vừa qua Hội nghị Trung ương 4 đã thống nhất đưa ra các cơ chế, giải pháp, trong đó quan trọng là cơ chế kiểm soát quyền lực. 

Phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp. Trong kiểm soát quyền lực, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, không để người đứng đầu tự tung, tự tác. “Sở dĩ Đảng ta có nguyên tắc tập trung dân chủ vì đó chính là cơ chế kiểm soát quyền lực. Tập thể đưa ra bàn cho kỹ chứ để mình người đứng đầu tự tung, tự tác thì dễ sai lắm. Muốn đề bạt, muốn cất nhắc ai mà người đứng đầu quyết hết sẽ dẫn đến cái sai”, Tổng Bí thư nói.

Cũng theo Tổng Bí thư, trong cơ chế cán bộ cũng cần nghiên cứu, đánh giá, không để tình trạng đề bạt suốt đời, tư duy nhiệm kỳ; có lên mà không có xuống, có vào mà không có ra. Đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân, của MTTQ… Đặc biệt, Tổng Bí thư cho rằng, trong công tác phòng chống tham nhũng, thì Đảng, Nhà nước phải quyết tâm rất cao, nhất là trong Trung ương. “Từng đồng chí trong Trung ương phải gương mẫu thì dân mới tin. Chứ nói thế này mà về làm khác đi thì chẳng ai tin”, Tổng Bí thư nói.

MỚI - NÓNG