Hội có thể khởi kiện để bảo vệ người tiêu dùng

Người tiêu dùng mua hàng nên xem xét chế độ bảo hành hạn sử dụng Ảnh: Hồng Vĩnh
Người tiêu dùng mua hàng nên xem xét chế độ bảo hành hạn sử dụng Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - “Trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng (có hiệu lực từ 1-7-2011 -PV) tăng thêm quyền hạn cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có quyền tự đứng ra khởi kiện”- Cục trưởng Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), ông Bạch Văn Mừng cho biết tại diễn đàn nhân Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới 15-3, diễn ra hôm qua tại TP.Hồ Chí Minh.

> Sản phẩm mới về làng

Người tiêu dùng mua hàng nên xem xét chế độ bảo hành hạn sử dụng Ảnh: Hồng Vĩnh
Người tiêu dùng mua hàng nên xem xét chế độ bảo hành hạn sử dụng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Trao đổi với báo giới, ông Mừng nói, trước đây các tổ chức xã hội về bảo vệ người tiêu dùng muốn khởi kiện phải được ủy quyền của người tiêu dùng. Chẳng hạn, có người tiêu dùng A, B gì đó bị xâm hại nhưng họ không đi khởi kiện mà có thể ủy quyền cho Hội đi kiện. Nhưng có những vấn đề xâm hại người tiêu dùng liên quan đến nhiều người chứ không chỉ một cá nhân cụ thể.

Mức độ thiệt hại với cộng đồng lớn, thì Hội bảo vệ người tiêu dùng và các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể đứng ra khởi kiện doanh nghiệp. Đây là điểm mới trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực từ 1-7 tới.

Trong trường hợp đó, các hội có thể tự đi tìm thông tin, chứng cứ để kiện?

Đương nhiên, khi hội tiến hành khởi kiện thì phải đi tập hợp chứng cứ, phải quan sát, điều tra để chứng minh...

Ông Bạch Văn Mừng
Ông Bạch Văn Mừng .

Nhưng thực tế các hội không có chức năng, quyền hạn để kiểm tra, ví dụ kiểm tra cây xăng...

Hội có nhiều chức năng, chức năng khởi kiện là một trong những công việc người ta có thể làm. Với điều kiện có những phát hiện liên quan cộng đồng, liên quan lợi ích chung, Hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, ví dụ Sở Khoa học & Công nghệ, Chi cục tiêu chuẩn đo lường... tiến hành kiểm tra.

Trách nhiệm bảo hành của các nhà cung cấp hiện nay còn nhiều vấn đề, Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực từ 1-7 tới quy định thế nào, thưa ông?

Đúng là việc bảo hành hiện nay thực hiện chưa tốt. Trong nhiều trường hợp người bán hàng cũng phát phiếu bảo hành nhưng thực hiện nghĩa vụ bảo hành không nghiêm túc, khi có hư hỏng và người tiêu dùng yêu cầu thì đơn vị cung cấp rất lâu sau mới tiến hành bảo hành; bảo hành nhưng không nghiêm túc, bảo hành rất nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục hỏng; yêu cầu người tiêu dùng mang sản phẩm đến điểm bảo hành thì mới bảo hành...

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rất chi tiết nghĩa vụ bảo hành và có những quy định rất rõ để người tiêu dùng sử dụng luật này như là công cụ bảo vệ mình. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc quy định về bảo hành của Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì quyền lợi người tiêu dùng sẽ được đảm bảo.

Làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng khi giá cả tăng một cách không thỏa đáng, thưa ông?

Để bảo vệ người dân nói chung, chúng ta đã có Pháp lệnh giá, có cơ quan quản lý của Chính phủ là Cục quản lý giá. Tại Pháp lệnh giá, người ta quy định rất rõ những sản phẩm gì thì niêm yết giá, những sản phẩm gì nhà nước sẽ bình ổn giá. Nếu doanh nghiệp muốn tăng giá thì phải đăng ký với ai, còn nếu vi phạm thì các cơ quan nhà nước sẽ xử lý.

Cục trưởng Quản lý cạnh tranh, Bạch Văn Mừng:

Người tiêu dùng phải ý thức là khi mua hàng phải lấy hóa đơn, ghi rõ giao dịch đó diễn ra ngày nào, ở đâu và hỏi nhà cung cấp có bảo hành hay không, điều kiện bảo hành là gì... Có như thế thì khi bị xâm hại người tiêu dùng mới có thể yêu cầu nhà cung cấp đáp ứng được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG