Học sinh, phụ huynh kêu cứu giúp cô giáo

Cô giáo Trần Thị Sương và hai con tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học trong lúc chờ được vào truyền máu.
Cô giáo Trần Thị Sương và hai con tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học trong lúc chờ được vào truyền máu.
TP - Hơn 100 phụ huynh học sinh ở các lớp do hai cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Điệp và Trần Thị Sương giảng dạy đã đứng đơn kêu cứu lên cơ quan chức năng yêu cầu không chuyển giáo viên của con em họ đi trường khác. Sự việc này xảy ra tại Trường tiểu học Trung An (huyện Củ Chi, TPHCM) khi hai giáo viên này tố cáo hiệu trưởng.

Sau khi ra trường, cô giáo Hồ Thị Bích Quyền được phân dạy lớp 4, Trường tiểu học Trung An, huyện Củ Chi. Đầu năm 2014, hiệu trưởng trường này đã chuyển cô Quyền sang làm tổng phụ trách khiến cô Quyền thất vọng.

Dù vậy, cô Quyền vẫn thực hiện theo quyết định của cấp trên nhưng đầu tháng 10/2014, cô hiệu trưởng giao cô hiệu phó kiểm điểm cô Quyền “vì giao làm tổng phụ trách mà làm không được”, yêu cầu cô Quyền ký biên bản kiểm điểm.

Cô Quyền không ký và xin nghỉ việc. Chiều 27/10/2014, cô Quyền uống thuốc sâu tự tử tại phòng hiệu trưởng. Việc làm của giáo viên trẻ này được cho là phản đối cách đối xử và quyết định điều chuyển công tác của hiệu trưởng Phạm Thị Kỳ Trân. Rất may cô Quyền được cứu sống.

Vụ việc cô Bích Quyền tự tử vừa tạm lắng thì ngay đầu năm 2015, Phòng Giáo dục huyện Củ Chi ra 4 quyết định điều chuyển công tác với giáo viên. 2/4 người đã chống lại quyết định này.

Ngày 7/1/2015, Phòng Giáo dục huyện Củ Chi trao các quyết định điều động bà Phạm Thị Kỳ Trân, hiệu trưởng, cô Hồ Thị Bích Quyền, cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp và cô Trần Thị Sương của Trường tiểu học Trung An tới cơ sở mới.

Cô Sương và cô Điệp không nhận quyết định, vì cho rằng việc điều động không dân chủ, thiếu khách quan và có “dấu hiệu” trù dập cán bộ. Theo cô Sương, năm 2013, cô đã tố cáo những việc mà cô cho là sai phạm của hiệu trưởng Phạm Thị Kỳ Trân. Sau đó, cô bị chuyển qua dạy thể dục.

Cô Điệp cho biết, đầu năm 2014, cô đã tố cáo hiệu trưởng Trân “ém” số tiền phụ trội mà giáo viên được hưởng trong năm 2013 khi vượt định mức tiết dạy. Ngay sau đó cô “được” hiệu trưởng cho xuống dạy lớp 1, dù cô Điệp đã có 28 năm dạy lớp 5.

Bức xúc với quyết định chuyển trường, ngày 7 và 8/1/2015, hai giáo viên lên phòng giáo dục trả lại quyết định trên, đồng thời gửi “đơn xin cứu xét nguyện vọng” tới chủ tịch UBND huyện. Lá đơn này của hai giáo viên cũng có chữ ký của 27 giáo viên khác của Trường tiểu học Trung An ủng hộ và đề nghị UBND huyện cho hai cô tiếp tục ở lại trường.

Đồng loạt “kêu oan” giúp cô giáo

Trong tuần qua, hơn 100 phụ huynh có con đang được hai cô giáo Sương và Điệp dạy đã đồng loạt ký đơn gửi lên lãnh đạo huyện Củ Chi và Phòng Giáo dục huyện mong xem xét để hai cô giáo ở lại trường. Tuy nhiên, quyết định vẫn được lãnh đạo phòng này đưa ra.

Trong lá đơn đại diện cho lớp 4/5, nơi cô Sương dạy, hơn 50 học sinh của lớp viết: “Xin Ban giám hiệu nhà trường giữ cô Sương ở lại dạy, vì cô Sương dạy hay, giúp chúng em học tốt”. Học sinh Nguyễn Thị Kim Duyên, lớp 4/5 nói rằng trong học kỳ 1, cả lớp em đều đạt khá giỏi là nhờ cô Sương.

“Khi biết cô bị chuyển trường, cả lớp em buồn lắm. Nếu ông Bụt cho lớp em một điều ước, chúng em chỉ ước cô ở lại”- Kim Duyên nói.  51 phụ huynh của lớp 4/5 cũng đồng loạt gửi đơn “xin cho cô Sương tiếp tục dạy tại trường”. Theo các phụ huynh, cô Sương là người yêu nghề, có năng lực.

“Trong học kỳ 1 vừa qua, các cháu học rất tốt, đã quen với cô, vì vậy chúng tôi mong cơ quan chức năng xem xét thấu đáo, để cô ở lại dạy, đừng làm xáo trộn kết quả học tập của các cháu trong kỳ 2”- đại diện phụ huynh lớp 4/5 nói. Học sinh và phụ huynh cũng cùng ký đơn gửi lên Phòng Giáo dục huyện với mong muốn, để cô Điệp ở lại dạy tại trường.

Trao đổi với PV Tiền Phong, cô Sương cho biết: “Vợ chồng tôi rất khó khăn. Tôi và chồng cùng hai đứa con đều mắc bệnh Thalassemia nguy hiểm về máu”.

Theo cô Sương, tháng nào cũng phải hai lần đưa hai con lên Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TPHCM để truyền hồng cầu lắng, giúp các con duy trì sự sống. Còn cô Điệp phải nuôi mẹ bị liệt 80 tuổi nên mong ở gần trường để tiện bề chăm sóc người thân.

Theo ông Lê Hùng Sen - Trưởng phòng Giáo dục huyện Củ Chi, phải điều chuyển giáo viên để tránh gây mất đoàn kết nội bộ và giúp họ có cơ hội để nâng cao năng lực.

MỚI - NÓNG