'Học' hay 'làm' tiến sĩ? - Bài 2: Thu hút nhân tài... lửng lơ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, người có học vị tiến sĩ luôn được xếp vào hạng người tài. Thế nên từ cổ chí kim, người tài luôn được trải thảm đỏ trọng dụng. Nhưng chính sách này đôi khi bị lệch chuẩn vì những toan tính phi thực tế.

Năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết về một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng người tài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, tỉnh quy định rõ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hoặc tiến sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa cấp II về công tác tại tỉnh được hỗ trợ 600 triệu đồng; thạc sĩ hoặc thạc sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú được hỗ trợ 400 triệu đồng; giáo viên, giảng viên có trình độ tiến sĩ được hỗ trợ 600 triệu đồng; có trình độ thạc sĩ được hỗ trợ 400 triệu đồng; có trình độ đại học được hỗ trợ 300 triệu đồng.

Tỉnh Tuyên Quang cũng ban hành Nghị quyết quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Theo đó, tiến sĩ về làm việc tại địa phương thuộc ngành Y sẽ được hỗ trợ 290 triệu đồng, các ngành khác là 270 triệu đồng.

'Học' hay 'làm' tiến sĩ? - Bài 2: Thu hút nhân tài... lửng lơ ảnh 1

Cần chính sách phù hợp để trọng dụng người tài

Năm 2009, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã ký Kế hoạch thực hiện chiến lược cán bộ, công chức của Hà Nội, trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ Thành uỷ quản lý đạt trình độ tiến sĩ. Nhưng ngay sau đó, bản kế hoạch này đã “hoãn” triển khai do phải “xem xét, tính toán lại”. Năm 2021, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Nghị quyết về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025 và những năm tiếp theo”. Một trong những mục tiêu mà Thành ủy Hà Nội đặt ra là đến năm 2025, phấn đấu 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Theo Dự thảo chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao vừa được UBND TP Hà Nội lấy ý kiến, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực y tế nếu có nguyện vọng về công tác tại Thủ đô sẽ được hỗ trợ 1 lần bằng 80 lần mức lương cơ sở tại thời điểm được tuyển dụng (lương cơ sở hiện nay là 1,5 triệu đồng). Những trường hợp trên nếu đăng ký xét tuyển vào các chuyên ngành y tế, giáo dục và đào tạo tại xã miền núi, khu vực khó khăn sẽ được hưởng mức hỗ trợ một lần bằng 100 lần mức lương cơ sở.

Ngoài ra, sau một năm công tác, cán bộ thuộc diện đãi ngộ sẽ được cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, hỗ trợ nghiên cứu khoa học sau tiến sĩ. Những lĩnh vực Hà Nội ưu tiên tuyển dụng gồm nghiên cứu về khoa học cơ bản, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, xây dựng và quản trị đô thị thông minh. Các chính sách đưa ra nhưng thực tế, những tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư có phát huy được sở trường, năng lực hay không thì chưa được nhìn nhận đúng mức.

Từ năm 2004, Đà Nẵng triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc cấp học bổng ĐH, sau ĐH trong và ngoài nước cho học sinh THPT xuất sắc và học bổng sau ĐH tại nước ngoài cho CBCCVC thuộc thành phố. Tuy nhiên, năm 2014 để đảm bảo thực hiện đúng chỉ tiêu biên chế, Đà Nẵng tạm dừng tuyển sinh đào tạo bậc ĐH.

Tỉnh Hòa Bình, tỉnh Bắc Ninh chi tiền tỷ thu hút giáo sư, phó giáo sư về dạy tại trường THPT chuyên. Nhưng chính sách này vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận vì ở bậc THPT giáo sư, phó giáo sư không có đất “dụng võ”. Vì thế, sau 1 năm, Bắc Ninh vẫn chưa có ứng viên nào ngỏ ý muốn về làm việc.

Cần thu hút nhân tài bằng thi tuyển theo vị trí việc làm

Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong thu hút, đào tạo nhân tài để làm việc trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Từ năm 1998 tới nay, Đà Nẵng đã nhiều lần điều chỉnh đối tượng, điều kiện, ngành nghề…để thu hút nhân tài về thành phố.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố cho hay, năm 1998, Đà Nẵng đã có chính sách tiếp nhận, bố trí công tác đối với những người tốt nghiệp ĐH loại giỏi, khá chưa có việc làm. Theo thống kê của UBND TP, từ năm 1998-2014, Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp ĐH công lập, chính quy trở lên. Trong đó có 25 tiến sĩ, 283 thạc sĩ, 961 SSH, và 102 người tốt nghiệp ở nước ngoài. Đội ngũ trên được bố trí tại cơ quan hành chính 591 người, còn lại vào đơn vị sự nghiệp.

Thành phố đãi ngộ nhân tài với kinh phí hỗ trợ ban đầu 80 - 280 lần mức lương cơ sở tùy vào từng nhóm đối tượng và từng trình độ đào tạo, cơ sở đào tạo. Ngoài ra được ưu tiên xem xét cho thuê nhà chung cư hoặc được hỗ trợ vay vốn ưu đãi trong thời hạn 10-15 năm để mua nhà ở xã hội. Đối với nhân lực đến làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian, Đà Nẵng thu hút các chuyên gia có uy tín trên các lĩnh vực thành phố có nhu cầu.

Việc thu hút đã bổ sung kịp thời nhân lực cho khu vực công, đáp ứng một phần nhu cầu nhân lực chất lượng cao, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo cho thành phố. Đồng thời cải thiện môi trường làm việc, xây dựng hình ảnh của Đà Nẵng. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng thừa nhận thực tế, tiêu chí lựa chọn người để thu hút còn nặng về bằng cấp, chưa quan tâm đúng thực tài và đào tạo kỹ năng làm việc thực tiễn, chưa thu hút được nhiều người có chuyên môn cao, chuyên gia đầu ngành.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban tổ chức Thành ủy cho rằng, Đà Nẵng từ trước đến nay chỉ mới có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công - với tư cách một kênh song song với kênh đầu tư từ ngân sách thành phố để đào tạo. Đà Nẵng đã thành công trong việc giữ chân một số sinh viên quê Đà Nẵng học ĐH ở các nơi trở về thành phố công tác, cũng như sinh viên địa phương khác học ĐH ở Đà Nẵng và chọn đây là quê hương thứ hai. Tuy nhiên, chính sách này chưa có sự kết nối cần thiết với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực tư, cũng như chưa có sự kết nối cần thiết với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực công dẫn đến chỗ thừa chỗ thiếu.

Theo ông Tiếng, cần phải tăng cường thu hút theo hướng thi tuyển vị trí việc làm. Đối với những trường hợp thu hút theo “cổng vào”, cần quan tâm đến việc bố trí công việc phù hợp với sở trường, đào tạo của từng đương sự.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG