Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức Giai đoạn 2021-2030:

Làm tiến sĩ thay vì học tiến sĩ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Văn Phúc vừa có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) về công tác xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030. Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc yêu cầu làm tiến sĩ thay vì học tiến sĩ như hiện nay.
Làm tiến sĩ thay vì học tiến sĩ ảnh 1
Ðào tạo tiến sĩ cần phải được khẳng định bằng chất lượng

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT cho biết thống kê năm học 2020-2021, cả nước có 23.956 giảng viên có trình độ cao từ tiến sĩ (TS) trở lên, tập trung chủ yếu ở Hà Nội (66%), TPHCM (20%) và các tỉnh, thành còn lại (14%).

So với năm học 2014- 2015, năm học 2019-2020 số lượng giảng viên ĐH là TS tăng từ 11,7% lên 31,3%. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, cơ cấu giảng viên có trình độ TS trong toàn hệ thống hiện vẫn còn thấp, đặc biệt là các trường đại học địa phương.

Chất lượng đào tạo TS tại Việt Nam đang được dư luận rất quan tâm sau khi xuất hiện luận án “TS cầu lông” của Viện khoa học Thể dục Thể thao, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Đặc biệt ngay sau đó là kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm của Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trong đó có vấn đề đào tạo TS. Theo kết luận, hằng năm Viện này đào tạo trên 200 TS, trên 1.000 thạc sĩ, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.

Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2017, công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, TS của Học viện Khoa học xã hội, trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội còn nhiều vi phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra.

Bộ GD&ÐT khẳng định công bố quốc tế giữa các chuyên ngành không đồng đều, lĩnh vực khoa học xã hội có rất ít công bố có chất lượng. Hoạt động sở hữu trí tuệ còn hạn chế, sản phẩm KHCN được chuyển giao vào thực tiễn còn ít, chưa có nhiều sản phẩm quốc gia, vì vậy đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chưa thật sự rõ nét.

Đáng chú ý, theo kết luận, chương trình đào tạo thạc sĩ của Học viện Khoa học Xã hội thiếu nội dung về chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành, còn có trường hợp giảng viên hướng dẫn vượt số học viên cùng thời gian, học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác.

Cơ quan thanh tra cũng phát hiện một số hồ sơ học viên chương trình đào tạo còn thiếu sót, có trường hợp giảng viên không đủ điều kiện tham gia hội đồng chấm luận văn thạc sĩ.

Thậm chí, đối với đào tạo TS, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy có nghiên cứu sinh đề xuất đề tài nghiên cứu không nằm trong danh mục nghiên cứu. Sổ cấp phát văn bằng còn tẩy xóa, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh.

Trước vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh yêu cầu “làm TS” thay vì “học TS”; cần đầu tư sâu hơn, đẩy mạnh hơn nữa cho các nhóm nghiên cứu mạnh, nhằm tạo đột phá, thu hút nhà nghiên cứu đầu ngành, từ đó thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao để khoa học có thể “nuôi” khoa học.

Bộ GD&ĐT tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và sản xuất, kinh doanh. Các nhà khoa học được quyền chủ động thiết lập và mở rộng mọi hình thức liên doanh, liên kết để ứng dụng thành tựu khoa học và kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; được hưởng thụ thích đáng từ các hợp đồng nghiên cứu, triển khai hoặc áp dụng thành công các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

MỚI - NÓNG