Cười không nổi với tiến sĩ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lại “sốt” xình xịch với đề tài luận án tiến sĩ, lần này là “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La”. Có lẽ nghiên cứu này và hàng loạt luận án tiến sĩ tương tự nên được trao cái giải Ig nào đó. Như năm ngoái, Ig Nobel Hòa bình đã thuộc về “công trình nghiên cứu” râu của nam giới có chức năng bảo vệ mặt khi đánh nhau!

Trong một diễn biến kém liên quan đến cầu lông, ở TP Thủ Đức một nam thanh niên 29 tuổi vừa uống 80 viên thuốc ngủ để tự tử. Vì xin việc nơi nào cũng bị từ chối, dù học giỏi từ bé đến lớn, có hai bằng đại học và cả tiếng Anh. Chàng trai đã từng cắt tay tự tử một lần nhưng không chết, với lý do tương tự. Là con một, hoàn cảnh nhà nghèo, cha mẹ làm thuê...?

Một sự bất lực, tuyệt vọng âm thầm đến đau đớn. Xin đừng trách, rằng cuộc đời mênh mông thế, thiếu gì công việc, không làm việc này thì việc khác. Nhưng vẫn luôn tồn tại suy nghĩ của những con người như trường hợp trên: Học ra là phải làm đúng với công sức và ý chí mà mình đã theo đuổi.

Hãy thử nhìn lại con cái chúng ta, có bao nhiêu đứa đang làm công việc đã từng được học hành suốt mười mấy năm trời? Có đúng với bằng cấp không? Hay đành chấp nhận làm mọi thứ, mọi việc, chỉ để tồn tại. Và chứng kiến những thứ cười ra nước mắt, như nhan nhản mảnh bằng tiến sĩ chẳng liên quan gì đến áo cơm, đời sống, chưa nói là đem lại chút ích lợi gì cho khoa học. Nhưng nó vẫn ngày càng nảy nở sinh sôi, tồn tại như một thứ nghịch cảnh. Ở một đất nước mà khoa bảng luôn được đặt lên hàng đầu, và những tiến sĩ luôn được kính nể như những “ông thần”...?

Việt Nam vừa tăng 6 bậc, xếp hạng 59 thế giới về giáo dục năm 2021, theo xếp hạng của US News and World Report, một tổ chức chuyên báo cáo, xếp hạng nhiều lĩnh vực của Mỹ. Một kết quả đáng mừng. Tuy nhiên tỉnh táo nhìn lại, thì trong tổng số 78 quốc gia được khảo sát, riêng tại Đông Nam Á chúng ta hiện vẫn đứng dưới Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, chỉ hơn Campuchia (còn Lào, Brunei, Timor Leste không tham gia).

Một trong 3 tiêu chí trong bảng khảo sát ở trên, đó là người dân có cân nhắc học đại học trong nước không. Tất nhiên, đâu phải ai cũng thực sự xuất sắc để kiếm được học bổng du học, và số đông cũng làm sao xoay tiền tỷ đưa con ra nước ngoài? Học trong nước, và có thể là cố học thêm nhiều bằng cấp, với cơ may có việc làm đúng như ý nguyện. Nhưng không dễ dàng chút nào. Có người hỏi ngược, rằng ngay các vị tiến sĩ kia đã làm đúng phần việc của một người cầm tấm bằng nghiên cứu cao cấp hay chưa? Nếu bắt họ làm đúng, dạy đúng với cái đề tài đã nghiên cứu, có khi sẽ bớt được phong trào “nhà nhà tiến sĩ”?

Ig viết tắt từ Ignoble, một từ tiếng Anh có nghĩa rất xấu. Tiêu chí hàng đầu của giải Ig Nobel là để gây cười, nhưng có những sự thật làm sao cười nổi. Chàng thanh niên ở Thủ Đức đã được kịp thời cứu sống. Được sống tiếp, nhưng ngày mai, ngày kia với cậu ấy sẽ là gì?

MỚI - NÓNG