Thành phố Hà Nội vừa ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đối tượng của đề án là công chức, lãnh đạo, quản lý cấp phòng và quy hoạch chức danh tương đương cấp phòng; công chức chuyên môn nghiệp vụ thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; cán bộ công chức cấp xã; viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đề án nêu cụ thể về chỉ tiêu, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2022 – 2025.
Theo đó, với chương trình bồi dưỡng thành đội ngũ chuyên gia, lĩnh vực tài chính – kế hoạch sẽ có số lượng học viên khoảng 100 người, là trưởng phòng, phó phòng, và quy hoạch trưởng, phó phòng làm công tác tài chính – kế hoạch thuộc các sở, cơ quan tương đương sở, UBND quận, huyện, thị xã.
Lĩnh vực quản lý, phát triển đô thị có số lượng học viên khoảng 60 người, gồm trưởng phòng, phó phòng và quy hoạch trưởng, phó phòng liên quan đến quản lý phát triển đô thị thuộc các sở GTVT, KH&ĐT, QH&KT, TN&MT, Xây dựng, Ngoại vụ, Y tế, Công Thương, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, các ban thuộc HĐND thành phố.
Lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số có số lượng học viên khoảng 100 người, gồm công chức phụ trách công nghệ thông tin thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã.
Lĩnh vực khoa học và công nghệ có số lượng học viên khoảng 20 người, gồm trưởng phòng, phó phòng và quy hoạch trưởng phòng, phó phòng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.
Lĩnh vực quản lý nguồn nhân lực có số lượng học viên khoảng 100 người, gồm trưởng phòng, phó phòng và quy hoạch trưởng phòng, phó phòng thuộc các sở, cơ quan tương đương sở, UBND quận, huyện, thị xã làm công tác tổ chức cán bộ.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo có số lượng học viên khoảng 100 người, gồm trưởng phòng, phó phòng và quy hoạch trưởng phòng, phó phòng thuộc Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT.
Lĩnh vực y tế có số lượng học viên khoảng 100 người, gồm trưởng, phó phòng và quy hoạch trưởng, phó phòng thuộc Sở Y tế, Phòng y tế thuộc UBND quận, huyện, thị xã.
Về chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ, lĩnh vực quản lý phát triển đô thị có số lượng học viên 450 người, gồm công chức các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã làm công tác quản lý và phát triển đô thị ở các lĩnh vực tài chính và kế hoạch đầu tư; giao thông vận tải, quy hoạch kiến trúc, tài nguyên môi trường, xây dựng.
Lĩnh vực chuyển đổi số trong quản lý đất đai có khoảng 100 học viên, gồm công chức phụ trách lĩnh vực tài nguyên môi trường liên quan đến quản lý đất đai thuộc Sở TN&MT; UBND quận, huyện, thị xã.
Chuyển đổi số trong hoạt động văn thư lưu trữ có khoảng 100 học viên, đối tượng là công chức phụ trách công tác văn thư lưu trữ thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã.
Lĩnh vực khoa học và công nghệ có khoảng 100 học viên, đối tượng là công chức phụ trách lĩnh vực khoa học và công nghệ thuộc Sở KH&CN; UBND quận, huyện, thị xã.
Lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ có khoảng 400 học viên, đối tượng là công chức làm công tác cán bộ thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã.
Về bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã, đề án nêu, về lĩnh vực quản lý nhà nước tại UBND phường, sẽ bồi dưỡng 900 chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn thuộc các huyện có kế hoạch chuyển thành quận; về lĩnh vực quản lý nhà nước tại UBND xã, thị trấn, sẽ bồi dưỡng 700 chủ tịch, phó chủ tịch UBND các xã, thị trấn thuộc các huyện không có kế hoạch chuyển thành quận.
Về lĩnh vực quản lý địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường cấp xã, sẽ bồi dưỡng cho 579 học viên là công chức chức danh địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường thuộc UBND xã, phường, thị trấn.
Thành phố cũng sẽ bồi dưỡng hàng nghìn viên chức thuộc các đối tượng quản trị trường học, quản trị bệnh viện, quản trị hệ thống mạng và bảo mật, quản trị hệ thống cơ sở dữ liệu.
Riêng về đào tạo sau đại học, thành phố nêu, sẽ cử đi đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến với công chức, viên chức không quá 35 tuổi thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu là 30 người (5 tiến sĩ, 25 thạc sĩ) thuộc các chuyên ngành đào tạo tài chính, kinh tế, kế toán, công nghệ thông tin, quản lý đô thị thông minh và sáng tạo, quản lý công, chính sách công, biến đổi khí hậu, quản lý giáo dục, quản lý bệnh viện.
Thành phố cũng sẽ cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước công chức, viên chức (lần đầu được cử đi đào tạo không quá 40 tuổi) thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu đào tạo 240 người, gồm 40 tiến sĩ, 200 thạc sĩ, thuộc chuyên ngành tài chính, kế toán, công nghệ thông tin, quản lý đô thị thông minh và sáng tạo, biến đổi khí hậu, quản lý công, chính sách công, các chuyên ngành về luật, giao thông vận tải, kế hoạch đầu tư, quy hoạch kiến trúc, tài nguyên môi trường, xây dựng, quản lý giáo dục, quản lý bệnh viện.
Theo đề án, tổng kinh phí thực hiện đến năm 2025 là hơn 272,3 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Riêng đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỷ đồng, trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỷ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỷ đồng.
Cụ thể, với 5 trường hợp cử đi đào tạo thành tiến sĩ tại các nước tiên tiến trên thế giới, sẽ có 1 trường hợp đi năm 2023, 2 trường hợp đi năm 2024 và 2 trường hợp đi năm 2025. Theo đề án, dự kiến tổng chi phí đào tạo cho 5 trường hợp đi học tiến sĩ ở nước ngoài khoảng 4 tỷ đồng; 25 trường hợp được cử đi học thạc sĩ ở nước ngoài dự kiến hết khoảng 5,6 tỷ đồng.
Với 40 trường hợp cử đi đào tạo thành tiến sĩ ở trong nước, năm 2022 có 5 trường hợp, năm 2023 có 10 trường hợp, năm 2024 có 15 trường hợp và năm 2025 có 10 trường hợp. Đề án nêu tổng chi phí dự kiến đào tạo 40 tiến sĩ này khoảng 12 tỷ đồng, mỗi trường hợp khoảng 300 triệu. Với 200 thạc sĩ, chi phí khoảng 40 tỷ, mỗi trường hợp 200 triệu.