Theo thạc sĩ Lê Phương Duy (ĐH Quốc gia Hà Nội), cử nhân tốt nghiệp ngành Hán Nôm có thể đảm nhận các công tác như sưu tầm, bảo quản, phiên dịch, nghiên cứu, khai thác, giảng dạy Hán Nôm tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, cơ quan văn hoá, lưu trữ, thông tin, các cơ quan, tổ chức và đoàn thể xã hội có nhu cầu.
Khi ra công tác, tùy theo năng lực bản thân và yêu cầu công việc, có thể làm chuyên sâu về Hán Nôm như giảng dạy và nghiên cứu Hán Nôm tại các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu...; hoặc có thể làm giáo viên ngữ văn; làm những việc liên quan đến Hán Nôm và văn hóa truyền thống như quản lý văn hóa tại Cục Di sản, Cục Lưu trữ, Sở Văn hóa, Phòng Văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di tích, bảo tàng…
Ngoài ra, cử nhân Hán Nôm có thể làm biên tập viên tại các nhà xuất bản, công tác tại các cơ quan truyền thông (tri thức tiếng Việt, từ Hán Việt, Hán Nôm, văn hóa cổ... là lợi thế của người học Hán Nôm cho công việc này); có thể làm phiên dịch văn bản Hán Nôm, tư vấn văn hóa Hán Nôm, du lịch văn hóa, phiên dịch tiếng Trung Quốc...
Theo Tiến Thưởng