Hình thành 'phố Wall': TP.HCM sẽ là bệ phóng vươn toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Khi hình thành trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM sẽ huy động được những nguồn vốn toàn cầu, tạo sự thịnh vượng cho không chỉ Việt Nam mà toàn khu vực.

Khi hình thành trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM sẽ huy động được những nguồn vốn toàn cầu, tạo sự thịnh vượng cho không chỉ Việt Nam mà toàn khu vực.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Đào Lê Trang Anh và TS Nguyễn Tuấn Anh, hai chuyên gia kinh tế Trường ĐH RMIT Việt Nam, đánh giá TP.HCM đang có nhiều lợi thế để vươn đến mục tiêu là một trung tâm tài chính (TTTC) toàn cầu. Tuy nhiên, sự phát triển này cần nhiều nỗ lực bền bỉ theo thời gian cũng như có hàng loạt giải pháp và cơ chế hỗ trợ.

Những thuận lợi của TP.HCM

. Phóng viên: Thưa TS Trang Anh, TP.HCM đang có những thuận lợi gì để có thể trở thành TTTC quốc tế?

+ TS Đào Lê Trang Anh: Dựa vào những ưu điểm của TP.HCM, theo tôi, phát triển TP thành TTTC quốc tế là một mục tiêu phù hợp và khả thi.

Cụ thể, TP.HCM nằm ở vị trí chiến lược là ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải với 26 cảng biển. TP.HCM có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại với đường cao tốc, đường sắt, sân bay, cảng biển... Tất cả đều hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế và tài chính của TP.

Về kinh tế, TP.HCM là đô thị lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam về kinh tế và tài chính, dẫn đầu đóng góp GDP của cả nước năm 2022. TP.HCM cũng là đô thị duy nhất của Việt Nam được đánh giá xếp hạng trong bảng chỉ số TTTC toàn cầu (The Global Financial Centres Index) năm 2022.

TP.HCM cũng là nơi ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam và sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Việt Nam là Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Ngoài ra, TP có hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển mạnh mẽ, các dịch vụ ngân hàng cung ứng cũng như khả năng ứng dụng công nghệ cao, hiện đại vào các sản phẩm và dịch vụ.

Hình thành 'phố Wall': TP.HCM sẽ là bệ phóng vươn toàn cầu ảnh 1

TP.HCM đang có nhiều ưu thế, thuận lợi để trở thành trung tâm tài chính toàn cầu. Ảnh: HOÀNG GIANG

TP.HCM có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động lớn nhất cả nước; có nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ và thương mại quốc tế, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, TP.HCM có nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu và các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, giúp tạo ra một môi trường sáng tạo cho các công ty, ngân hàng và tập đoàn đa quốc gia.

Cần có tiêu chuẩn quốc tế

. Thưa TS Tuấn Anh, liệu rằng TP.HCM có quá sức trong mục tiêu này bởicòn nhiều vấn đề cần giải quyết như các quy định tiêu chuẩn quốc tế, nhân lực, phần mềm, tự do hóa dòng vốn... còn hạn chế?

+ TS Nguyễn Tuấn Anh: Tôi cho rằng mục tiêu trở thành TTTC quốc tế trong tương lai dài hạn của TP.HCM là khả thi. Mặc dù TP.HCM vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề khác nhau nhưng về tổng thể vẫn có cơ hội để cải thiện.

Một trong những vấn đề có thể kể đến là tự do hóa tài chính hay cụ thể hơn là tự do hóa dòng vốn. Tuy nhiên, đối với TP.HCM, cần xây dựng lộ trình ngắn hạn đến dài hạn cho việc tự do hóa tài chính. Cạnh đó, TP.HCM cần cân bằng giữa việc phát triển nhanh để hướng tới việc trở thành TTTC song song với việc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Vấn đề tiếp theo có thể kể đến là các quy định tiêu chuẩn quốc tế còn thiếu. Hiện tại, các tổ chức tài chính quốc tế hiện diện chưa nhiều tại Việt Nam do chỉ được cấp giấy phép để kinh doanh ngân hàng truyền thống và gặp khó khăn trong việc xin giấy phép hoạt động các lĩnh vực khác. Hầu hết các ngân hàng quốc tế chỉ tập trung phục vụ cho các doanh nghiệp FDI. Những ngân hàng quốc tế nào không thấy hy vọng phát triển thành tập đoàn tài chính thì sẽ rút vốn, bán lại hoặc thu hẹp thị trường tại Việt Nam.

Rất mừng là Chính phủ đã có những biện pháp kịp thời để bắt kịp xu thế quốc tế. Điển hình là Nghị quyết 01/2022 đề cập đến nghị định về sandbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) đối với fintech (công nghệ tài chính) trong lĩnh vực ngân hàng, trình Chính phủ trong quý II-2022. Điều này cho thấy bước đi thận trọng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc phát triển fintech tại Việt Nam.

Vấn đề quan trọng nữa là nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Hiện tại TP.HCM cần đào tạo đội ngũ nhân viên, chuyên gia tại địa phương (tài chính, ngân hàng, kế toán, IT...) với trình độ tiếng Anh và năng lực phù hợp với chuẩn quốc tế. Song song với việc đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất (cầu, đường giao thông, sân bay) và hệ thống quản lý (Internet, viễn thông) cũng không kém phần quan trọng.

“Thỏi nam châm” hút vốn đầu tư

. Có thể hình dung ra sao khi TP.HCM từng bước đạt mục tiêu trở thành TTTC?

+ TS Nguyễn Tuấn Anh: Nhìn vào các TTTC khu vực Đông Nam Á, tại thời điểm hiện tại, theo Global Financial Centres Index, TP.HCM xếp thứ 104 trên thế giới, thứ sáu trong khu vực.

Chúng ta có thể mường tượng một TP.HCM đóng vai trò chính trong việc chuyển nguồn vốn dồi dào sang các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển ở châu Á. Ngoài ra, TP còn có thể tận dụng nguồn vốn dư thừa để thúc đẩy phát triển tài chính và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Tầm nhìn là luân chuyển vốn trong nước và vốn từ nước ngoài, đồng thời mời các tổ chức tài chính và công ty nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại TP.HCM. Đa dạng nguồn vốn và đa dạng đầu tư sẽ là hướng phát triển trong tương lai của TP.

Hình thành 'phố Wall': TP.HCM sẽ là bệ phóng vươn toàn cầu ảnh 2
Việc trở thành trung tâm tài chính sẽ góp phần làm tăng giá cổ phiếu thông qua việc tăng vốn đầu tư từ thị trường nước ngoài. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhìn vào Busan, đầu năm 2019, Hàn Quốc tuyên bố TP này là khu vực quy định đặc biệt cho phép sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong nhiều ứng dụng thương mại. Ngoài việc mở ra những cơ hội mới cho lĩnh vực tài chính cả ngắn hạn và dài hạn, điều này sẽ thúc đẩy một thế hệ tăng trưởng công nghệ mới.

Hơn nữa, nguồn vốn cho doanh nghiệp trở nên dồi dào hơn một khi TP.HCM trở thành TTTC thông qua các kênh chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả các tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu sẽ bị thu hút để mở văn phòng trong TP.

Về thị trường chứng khoán, việc trở thành TTTC sẽ góp phần làm tăng giá cổ phiếu thông qua việc tăng vốn đầu tư từ thị trường nước ngoài vào thị trường nội địa do các công ty có chủ sở hữu là doanh nghiệp Việt. Chưa kể còn có thêm các công ty nước ngoài niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

. Xin cám ơn hai tiến sĩ.

Sáu “viên gạch” tạo nền móng vững chắc

. Để thể cạnh tranh với các nước trong khu vực về TTTC quốc tế, TP.HCM cần làm gì để hiện thực hóa vấn đề này?

+ TS Trang Anh: Theo tôi, một số đề xuất có thể được thực hiện để đạt được mục tiêu này như sau:

Thứ nhất, cần tăng cường khung pháp lý để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và bảo vệ nhà đầu tư.

Thứ hai, TP.HCM cần phát triển thị trường tài chính để thu hút đầu tư; tạo điều kiện huy động vốn và khuyến khích phát triển các dịch vụ tài chính.

Thứ ba, tăng cường nguồn nhân lực. Phát triển lực lượng lao động lành nghề là rất quan trọng đối với bất kỳ TTTC nào. TP.HCM cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển đội ngũ chuyên gia lành nghề trong lĩnh vực tài chính, kế toán và các lĩnh vực liên quan.

Thứ tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Một cơ sở hạ tầng phát triển tốt là điều cần thiết cho bất kỳ TTTC nào. TP.HCM cần đầu tư vào giao thông, thông tin liên lạc và cơ sở hạ tầng khác để tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh doanh.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao vị thế toàn cầu. TP.HCM cần tăng cường hợp tác với các TTTC và tổ chức quốc tế khác để nâng cao khả năng kết nối và nâng cao uy tín toàn cầu.

Thứ sáu, thúc đẩy đổi mới công nghệ tài chính. Công nghệ tài chính là một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. TP.HCM cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong công nghệ tài chính để nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư.

Theo PLO.vn
MỚI - NÓNG