Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội:

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lạm thu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, đơn vị thực hiện nhiều giải pháp giải quyết vấn đề bù thiếu giáo viên, trường lớp đồng thời quán triệt tất cả cơ sở giáo dục thu đủ, chi đúng, tuyệt đối không được lạm thu các khoản đầu năm học 2023-2024.

+ Thưa ông, trường học ở Hà Nội thời điểm này chuẩn bị các điều kiện đón năm học mới ra sao?

- Địa phương hiện có 2.840 trường học với khoảng 2,2 triệu học sinh. Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở giáo dục chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức lễ khai giảng thực sự là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Trong đó, có những phần việc phải chuẩn bị kỹ như: trang hoàng trường lớp, khẩu hiệu chào đón học sinh, kiểm tra hệ thống cây xanh, đường điện, lưới ban công, rà soát, vệ sinh bếp ăn… nhằm đảm bảo môi trường an toàn, sạch đẹp trước ngày học sinh tựu trường.

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lạm thu ảnh 1

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Tất cả các trường đồng loạt tổ chức lễ khai giảng vào sáng ngày 5/9 một cách trang trọng, tiết kiệm, chú trọng cả phần hội tạo không khí vui tươi, háo hức cho học sinh. Các nhà trường rà soát, quan tâm đối tượng học sinh yếu thế, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh các trường dân tộc nội trú… để không có học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn không được đến trường.

Ngành giáo dục phát động phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, trong đó có việc nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng SGK, quần áo, đồ dùng học tập… cho các em.

“Năm học vừa qua, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT toàn thành phố đạt 99,56%, xếp thứ 16 (tăng 11 bậc so với năm học trước). Năm học tới, ngành sẽ thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, đại trà thu hẹp dần khoảng cách chất lượng giáo dục các quận nội thành, ngoại thành”.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Đặc biệt, trước năm học mới, đơn vị đã tập huấn cho 29.000 giáo viên cốt cán về đổi mới chương trình, SGK để triển khai dạy học hiệu quả.

+ Năm học mới nào, vấn đề lạm thu cũng làm nóng dư luận, cha mẹ học sinh phải gồng gánh rất nhiều khoản thu đầu năm học. Sở GD&ĐT Hà Nội có chỉ đạo, giám sát vấn đề này như thế nào?

- Ngay từ đầu năm học, đơn vị đã phối hợp với Sở Tài chính có các văn bản hướng dẫn thu, chi đối với trường học ở các cấp, đảm bảo công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ và tuyệt đối không được lạm thu. Bất cứ khoản nào ngoài quy định, các cơ sở giáo dục đều không được phép thu. Các nội dung liên quan đến hoạt động trải nghiệm hay xã hội hoá, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các nhà trường có đề án, kế hoạch cụ thể, được thông qua trong tập thể sư phạm nhà trường và được cấp có thẩm quyền cho phép mới được triển khai theo đúng quy định.

Khi ngành đã có những hướng dẫn, quy định rõ ràng như vậy nhưng vẫn để xảy ra lạm thu, hiệu trưởng các trường học sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền. Khi có thông tin dư luận phản ánh và đơn vị kiểm tra, phát hiện cơ sở vi phạm thu chi không đúng nguyên tắc thì trách nhiệm cũng thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục đó.

+ Trong năm học mới, ngành có giải pháp ra sao để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, trường, lớp?

- Ngành đang tổ chức thi tuyển 608 chỉ tiêu viên chức giáo dục làm việc ở các cơ sở giáo dục công lập. Song song đó, các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức tuyển dụng và thành phố giao ký hợp đồng 3.112 giáo viên. Tổng cộng, năm học này giải quyết được khoảng 6.000 giáo viên cho các nhà trường. Đây là một số cố gắng rất lớn của thành phố cũng như ngành giáo dục.

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lạm thu ảnh 2

Hà Nội yêu cầu các trường kiểm tra kỹ cơ sở vật chất, sẵn sàng đón học sinh quay lại trường học

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, một số Phòng GD&ĐT có cách làm rất hay đó là tạo “ngân hàng” giáo viên, tập hợp lực lượng giáo viên các bộ môn sẵn sàng chi viện, hỗ trợ các nhà trường.

Trung bình mỗi năm Hà Nội tăng 50.000 -60.000 học sinh. Chỉ tính năm học tới, riêng học sinh lớp 6 tăng gần 37.000 em đòi hỏi các quận, huyện, thị xã quan tâm, sửa chữa, xây mới trường học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trên thực tế, địa phương đang thừa, thiếu chỗ học cục bộ, trong đó một số quận nội đô có nhiều chung cư cao tầng thiếu chỗ học, thiếu quỹ đất xây trường. Năm học tới, địa phương tập trung nguồn lực xây mới 36 trường học ở các cấp, hi vọng đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

+ Hà Nội vừa đề xuất Bộ GD&ĐT nâng tầng các trường học nội đô. Đây có là giải pháp căn cơ để giải quyết được tình hình khó khăn hiện nay không, theo ông?

- Bên cạnh sửa chữa hằng năm, địa phương sẽ phải xây mới 30-35 trường học mới đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, thực tế hiện nay quỹ đất ở các quận vùng lõi nội thành hạn hẹp, việc xây mới trường học chỉ trông chờ vào các nhà máy, xí nghiệp di dời, chuyển đổi quỹ đất nên rất khó khăn để triển khai xây dựng.

Do đó, ngành vừa có đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép nâng tầng các trường nội đô, thậm chí cho xây thêm các tầng hầm là một giải pháp, giải quyết được khó khăn, áp lực hiện nay. Khi nâng tầng, các tầng thấp sẽ ưu tiên bố trí lớp học, Ban giám hiệu, phòng hội đồng sư phạm sẽ ở tầng cao. Có tầng hầm làm chỗ để xe, sân trường để học sinh vui chơi, hoạt động thể thao, hoạt động trải nghiệm.

Ngành cũng đề xuất Bộ GD&ĐT điều chỉnh cách tính diện tích sàn xây dựng học sinh thay vì diện tích đất học sinh sẽ phù hợp, thuận lợi hơn đối với xây dựng trường học cho các thành phố đông học sinh, thiếu đất xây trường như Hà Nội, TPHCM.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG