Bộ trưởng Giáo dục đề nghị Hà Nội chấm dứt cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm nộp hồ sơ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Trong công tác tuyển sinh đầu cấp năm học tới, TP Hà Nội dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Với thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, Thủ đô dẫn đầu cả nước đây là việc không nên”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói.

Sáng 16/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học mới. Theo báo cáo, toàn thành phố hiện có 2.840 trường học mầm non, phổ thông công lập và tư thục.

Học sinh Hà Nội đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, quốc tế với 8 học sinh đạt giải quốc tế (1 HCB, 5 HCĐ, 1 Bằng khen Kỳ thi Olympic thiên văn và Vật lý thiên văn lần thứ 15; 1 HCB Olympic Vật lý Bắc Âu - Baltic); 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia gồm: 13 giải Nhất, 46 giải Nhì, 41 giải Ba, 41 giải Khuyến khích; đứng đầu Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V với 6 giải thưởng và 4/4 dự án thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đều đoạt giải.

Năm học qua, các trường THPT cũng đã bồi dưỡng kết nạp Đảng cho 60 học sinh.

Bộ trưởng Giáo dục đề nghị Hà Nội chấm dứt cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm nộp hồ sơ ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và biểu dương nỗ lực của ngành GD&ĐT Hà Nội.

Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, đội ngũ giáo viên của thành phố có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cao, đáp ứng triển khai chương trình GDPT mới. Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non, tiểu học, THCS – THPT đạt chuẩn đào tạo trở lên, trong đó có 63,46% giáo viên mầm non, 95,16% giáo viên tiểu học, 79,28% giáo viên trung học cơ sở và 27,29% giáo viên THPT có trình độ trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2005.

Năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn thành phố đạt 99,56% (xếp thứ 16, tăng 11 bậc so với năm 2022. Hà Nội cũng là địa phương có nhiều điểm 10 thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhất cả nước với 1.232 điểm 10, tăng 3,35 lần so với năm 2022).

Phát biểu tại lễ tổng kết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và biểu dương nỗ lực của ngành GD&ĐT Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong năm học 2022-2023. Đặc biệt, Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Trên phương diện giáo dục đại trà, kết quả thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội tăng 11 bậc so với năm học trước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng yêu cầu, triển khai năm học mới trong bối cảnh tiếp tục đổi mới chương trình GDPT 2018, Hà Nội cần nỗ lực hơn nữa nhằm đáp ứng đòi hỏi của xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

“Đặc biệt, chú ý chuẩn bị chu đáo đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học cho cấp tiểu học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”, Bộ trưởng yêu cầu.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt chú trọng về "chất" trong tất cả các khía cạnh từ dạy - học, kiểm tra - đánh giá; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, thúc đẩy học tập suốt đời với sự hỗ trợ của công nghệ số.

Bộ trưởng cho rằng, trong năm học mới có rất nhiều việc phải làm. Đề nghị thành phố có giải pháp để dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng trong công tác tuyển sinh đầu cấp như năm học vừa qua. “Với thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, Thủ đô dẫn đầu cả nước đây là việc không nên. Giám đốc Sở GD&ĐT đã rất quyết tâm nên chắc chắn thực hiện được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đặt hàng Hà Nội có mô hình triển khai chương trình GDPT mới tốt, làm mẫu để các nhà trường, địa phương khác học tập và làm theo.

MỚI - NÓNG