Một trong những vấn đề được các giảng viên, cán bộ quản lý đại học đưa ra tại buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là tâm tư về đời sống của giảng viên trong bối cảnh hiện nay.
Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục ĐH chiều 15/8. Ảnh: Thế đại |
Ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ, trường Y đào tạo đặc thù, đó là thời gian đào tạo dài. Chương trình bác sĩ đa khoa thời gian đào tạo 6 năm. Nếu muốn trở thành giảng viên của trường, phải học thêm 3 năm bác sĩ nội trú và học lên tiến sĩ.
"Giảng viên của trường vừa là thầy giáo, vừa là thầy thuốc nên trách nhiệm nặng nề hơn. Giảng viên vừa dạy học còn kiêm nhiệm công việc khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Thời gian ở bệnh viện bằng thời gian ở trường. Nếu không làm như thế không đào tạo được bác sĩ giỏi. Nhưng chính sách nhà nước chỉ được hưởng 1 loại lương. Chúng tôi cũng rất tâm tư. Thực tế có nhiều giảng viên bỏ việc tại các cơ sở giáo dục ĐH công lập trong đó có Trường ĐH Y Hà Nội", ông Minh nói.
Ông Phạm Ngọc Minh, Trường ĐH Y Hà Nội nêu ý kiến. Ảnh: Thế Đại |
"Thực sự chúng tôi rất trăn trở. Làm sao để giữ chân được giảng viên giỏi, tâm huyết một cách tự nguyện chứ không phải bằng các rào cản hành chính như giữ bằng. Khi đó, họ ở lại trường nhưng tâm huyết lại ở ngoài trường", ông Minh chia sẻ. Chính vì vậy, ông mong muốn Bộ GD&ĐT có đề xuất cơ sở chính sách phù hợp với khối ngành đặc thù như Y dược để có thể có được đội ngũ giảng viên xứng tầm, từ đó có thể đào tạo ra đội ngũ cán bộ y bác sĩ giỏi.
Tương tự, ông Trần Trọng Đạo, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Nha Trang nêu thực trạng đời sống của giảng viên, viên chức ngành giáo dục nhiều áp lực, đặc biệt là giảng viên, thu nhập thấp, đời sống khó khăn.
"Nghe tâm sự của công đoàn viên rất buồn và nhiều khi thấy xót xa. Hậu quả là không ít viên chức xin thôi việc, thậm chí trong số này có cả viên chức trình độ cao để ra làm ngoài, làm cho các doanh nghiệp; hoặc chuyển công tác khác; hoặc không quay về công tác sau khi đi du học", ông Đạo nói.
Điều lo lắng hơn, theo ông Đạo là không ít viên chức đang tiếp tục công tác trong ngành nhưng dành nhiều thời gian, trí tuệ và tâm huyết để làm nhiều công việc khác không liên quan đến giảng dạy như buôn bán bất động sản. Đặc biệt là công việc phổ biến nhất của viên chức giáo dục hiện nay là bán hàng online. Việc chính thì mang lại thu nhập phụ, việc phụ thu nhập chính cho viên chức và người lao động. Hậu quả tất yếu là chất lượng giáo dục không đảm bảo.
Từ thực trạng này, ông Đạo đề xuất cần có chính sách tiền lương riêng cho các nhà giáo. Tuy biết đây là vấn đề khó nhưng ông Đạo cho rằng giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu nên hoàn toàn có cơ sở.
Ông Đạo đề xuất thêm giải pháp là có chính sách vay vốn ưu đãi cho giảng viên trẻ để đảm bảo đời sống tốt hơn.
Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những tâm tư của giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội. Theo ông Sơn, ngành Y có nhiều điểm riêng, đặc thù. Tuy có tồn tại trong thực tế nhưng không có tương thích trong văn bản quy phạm pháp luật nên hai Bộ (Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế) sẽ vẫn phải cùng giải quyết để những người giỏi, người tài không bị phiền lụy bởi những thủ tục hành chính.
Bộ trưởng cũng thừa nhận tăng thu nhập cho giảng viên là một vấn đề khó. "Chúng ta đều mong muốn giảng viên có thể sống bằng thu nhập, thậm chí là phải sống đàng hoàng vì tầng lớp trí thức cần có thu nhập chính đáng. Nhưng thực tế còn cần nhiều giải pháp", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.