Hệ lụy kép

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi biết tin Hà Nội sắp di dời 8 cơ sở ra khỏi nội đô (đợt 1), tôi rất vui và bày tỏ sự ủng hộ. Tuy nhiên, nhìn lại những cơ sở đã di dời ra ngoại thành thời gian qua, chúng ta thấy nhói lòng khi những vị trí này đang gây hệ lụy kép cho Thủ đô.

Cuối giờ chiều ngày 10/8, các nhà quy hoạch, kiến trúc sư có tên tuổi vừa kết thúc cuộc họp về quy hoạch và thực hiện quy hoạch tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. Tại hội nghị, tôi đã nêu hệ quả của việc sau hơn 10 năm thành phố Hà Nội thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, trụ sở cơ quan, trường học… ra ngoại thành. Thực tế đang cho thấy, thay vì sử dụng những diện tích mặt bằng sau khi nhà máy được di dời theo hướng xanh hóa, phục vụ mục đích công cộng thì tại đây chính quyền thành phố đã cho phép hoặc chấp thuận cho bê tông hóa bằng việc xây hàng loạt nhà cao tầng. Chắc chắn nhiều người cũng đồng ý rằng, ngoài bê tông hóa không gian xanh phục vụ công cộng, phá vỡ kiến trúc, việc này còn chất tải dân cư vào các khu vực nội đô, làm cho hạ tầng đô thị như điện nước, giao thông đều quá tải, vỡ trận quản lý. Đây là những thiệt hại kép đang tồn tại hiện hữu ở Hà Nội.

Để giảm áp lực dân cư và phương tiện tham gia giao thông trong Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: Với khu vực nội đô, giới hạn từ đường vành đai 2 trở vào cần kiểm soát mức độ gia tăng dân số cơ học. Theo đó với gần 2 triệu dân ở quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng), từ nay đến năm 2030 chính quyền thành phố Hà Nội phải giảm về mức khoảng 0,8 triệu người (giảm 1/3 so với hiện nay). Theo các chuyên gia, nếu quy hoạch này được thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc, thì áp lực ùn tắc tại đây giảm ngay lập tức và không một giải pháp, công trình chống ùn tắc nào có thể sánh được.

Tuy nhiên, thay vì cơ sở, cơ quan đã được di dời, mặt bằng được bố trí phục vụ công cộng thì sau đó lại mọc lên các toà nhà cao tầng, thu hút hàng vạn dân cư. Ví như trụ sở Nhà máy Nhựa Hà Nội tại phố Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm), được di dời năm 2010 để bàn giao mặt bằng 1.400m2 cho thành phố, nhưng sau đó ít lâu, mặt bằng tại đây đã trở thành công trường của dự án Trung tâm thương mại, căn hộ và Văn phòng cao tầng. Tương tự, năm 2011 hơn 2.000m2 trụ sở Nhà máy xe đạp Thống Nhất tại phố Tràng Thi cũng được di dời nhưng hiện nay địa điểm này bị biến thành trung tâm thương mại và siêu thị; và còn rất nhiều chỗ khác nữa.

Với chủ trương di dời các trường CĐ, ĐH ra ngoại thành, từ năm 2008, Chính phủ đã có chỉ đạo thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan, lên kế hoạch di dời gần 30 trường ĐH ra các khu vực vệ tinh như Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc… trước năm 2015. Tuy nhiên đến nay kế hoạch này coi như đã phá sản, mốc năm 2015 đã qua gần 10 năm và hiện tại, các trường này vẫn đang giảng dạy bình thường trong khu vực nội đô.

Với lượng học sinh, sinh viên đang có hơn 1 triệu trong khu vực nội đô Hà Nội đã chứng minh rằng, vào các dịp lễ tết, hè khi học sinh được nghỉ học, giao thông Hà Nội trở nên thông thoáng, giảm ùn tắc, còn bước vào năm học mới, đường phố lại ùn tắc trở lại. Nếu việc di dời trên được thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc, ùn tắc tại Thủ đô hiện nay đã giảm đi một phần căng thẳng, hạ tầng đô thị cũng bớt ngột ngạt với lượng người quá đông như hiện nay.

MỚI - NÓNG
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
TPO - Thấy chị T (công chức Phòng TN&MT huyện Đức Cơ) trượt chân rơi xuống sông Pô Cô, trung tá N.V.V (Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đức Cơ) và anh L.K.L (trú tại TP.Pleiku, Gia Lai) lao xuống cứu nhưng không được, cả ba người bị dòng nước chảy xiết cuốn tử vong.