Hai nữ cán bộ Đoàn 4.0 nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hưởng ứng “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn” do T.Ư Đoàn triển khai, cán bộ Đoàn các cấp đã không ngại thay đổi, nhanh chóng tiếp cận công nghệ để đổi mới mạnh mẽ, mang lại nhiều hiệu quả trong công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi.

Xây dựng làng quê đáng sống

Bản Ngọn, xã Yên Hoà (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Thái và Khơ Mú sinh sống. Bản Ngọn từng là địa bàn có tỷ lệ đoàn viên, thanh niên mắc các tệ nạn xã hội cao; tỷ lệ hộ nghèo cao… Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. Năm 2022, Bản Ngọn được trao chứng nhận về đích nông thôn mới, cũng từ đây diện mạo làng quê được “khoác lên màu áo mới”. Sự đổi thay đó có sự góp sức không nhỏ của Đoàn Thanh niên xã Yên Hòa mà người đứng đầu là cô gái dân tộc Thái - Lô Thị Đài Trang, Bí thư Đoàn xã Yên Hòa.

Hai nữ cán bộ Đoàn 4.0 nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2023 ảnh 1

Chị Triệu Kim Huệ, Bí thư Đoàn xã Lam Vỹ

Đài Trang chia sẻ, với cương vị là một Bí thư Đoàn một xã miền núi đang trên đà xây dựng nông thôn mới, bản thân chị đã tiến hành tổ chức các hoạt động, phong trào của Đoàn phải gắn với những thế mạnh của địa phương để góp phần xoá đói giảm nghèo, thay đổi bộ mặt quê hương. Đoàn Thanh niên đã tham gia cùng làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất,… để giúp bản Ngọn về đích nông thôn mới.

“Nằm trong dòng chảy của văn hóa dân tộc, vốn là trung tâm vùng Xiềng Men ngày xưa, vậy nên Yên Hòa, Tương Dương còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, đặc biệt là của dân tộc Thái và Khơ mú. Nhận thấy những thế mạnh trong phát triển du lịch cộng đồng, tôi đã vận động đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng 7 công trình thanh niên cấp xã gắn với xây dựng mô hình du lịch cộng đồng”, chị Trang kể. Chị đã thành lập và điều hành CLB hướng dẫn và phục vụ du lịch gồm 20 đoàn viên, thanh niên; vận động đoàn viên, thanh niên xây dựng 3 gia trại nông nghiệp cung cấp thực phẩm sạch cho các quán ăn trên địa bàn; có 4 quán ăn, 1 homestay do Đoàn thanh niên quản lý. Đồng thời, xây dựng hệ thống điểm check-in tại các điểm du lịch rừng Săng Lẻ, Yên Tân và hệ thống cọn nước Bản Cọoc.

Hai nữ cán bộ Đoàn 4.0 nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2023 ảnh 2

Chị Lô Thị Đài Trang trao quà cho các em nhỏ điểm trường Tiểu học ở bản Yên Hương

Chị Trang chia sẻ, bản Ngọn giờ là một làng quê đáng sống, hiện, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, không có người vi phạm pháp luật, nhiều thanh niên chọn trở về quê hương lập nghiệp, phát triển và quảng bá quê hương.

Đặc biệt, từ khi có mô hình du lịch cộng đồng, lượng khách đến với Yên Hoà khá ổn định. Bà con có thêm thu nhập từ việc bán các sản phẩm thủ công truyền thống như mây tre đan, dệt thổ cẩm, bán các hàng nông sản như ngô, lạc, hoa quả… các dịch vụ ăn theo như dịch vụ làm đẹp, ăn uống, giải trí.

Lô Thị Đài Trang và Triệu Kim Huệ là 2 trong số 100 cán bộ Đoàn tiêu biểu nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2023 do T.Ư Đoàn trao tặng. Đây là những cán bộ Đoàn năng động, sáng tạo, dấn thân để đổi mới và mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi.

Chị Trang cho biết, hiện Đoàn Thanh niên đang số hóa các điểm du lịch. “Trong tháng 4, Đoàn thanh niên sẽ bàn giao công trình thanh niên số hoá các điểm du lịch trên địa bàn xã cho UBND xã Yên Hòa để quảng bá rộng rãi hơn nữa mô hình du lịch cộng đồng Yên Hoà đến mọi miền đất nước”, chị Trang cho hay.

Ứng dụng công nghệ AI tuyên truyền

Là cử nhân Quản lý giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục, dù không có kiến thức chuyên sâu về công nghệ nhưng cô gái Triệu Kim Huệ, Bí thư Đoàn xã Lam Vỹ (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đã sản xuất được loạt bản tin tuyên truyền ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, với MC ảo cuốn hút người xem.

Huệ chia sẻ, đoàn viên, thanh niên tại xã Lam Vỹ hiện nay chủ yếu đi làm ăn xa, số bạn trẻ tham gia sinh hoạt thường xuyên tại địa phương chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Nếu vẫn chỉ sử dụng các phương thức tuyên truyền như: hội nghị trực tiếp, văn bản giấy… thì rất khó tiếp cận được đối tượng này. Ngoài ra, nếu không đổi mới, sáng tạo nội dung thì sẽ không thể thu hút được giới trẻ. Việc xây dựng các bản tin video sẽ khiến nội dung tuyên truyền sinh động, hấp dẫn thu hút hơn”, chị Huệ nói. Đó là động lực để một cô gái như Huệ mày mò tìm hiểu về các công nghệ 4.0.

Sáng kiến: “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong sản xuất bản tin tuyên truyền trên địa bàn xã Lam Vỹ ra đời. Huệ ưu tiên tìm hiểu và sử dụng các nền tảng miễn phí để tiết kiệm chi phí. Nữ Bí thư Đoàn xã Lam Vỹ đã chọn AIClip.ai - công cụ tạo video ngắn với người dẫn chương trình là MC ảo để sáng tạo các video tuyên truyền hấp dẫn. MC ảo của công cụ có thể nói được 2 thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Anh). Mỗi thứ tiếng có giọng đọc khác nhau. “Bằng công cụ này, có thể tạo ra nhiều bản tin nhanh mà không cần một ekip sản xuất cồng kềnh, giúp tiết kiệm chi phí, phù hợp với điều kiện ngân sách hạn chế của địa phương, đặc biệt là cấp xã”, chị Huệ nói và cho biết, đến hiện tại, đã sản xuất được 21 bản tin, phát ở các fanpage: Tuổi trẻ Lam Vỹ; Thông tin điện tử xã Lam Vỹ.

Với việc đổi mới hình thức tuyên truyền này đã góp phần tiếp cận được nhiều người xem, thu hút sự quan tâm của đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt, thông qua việc phát các bản tin tuyên truyền còn thu hút được các nhà hảo tâm, tổ chức, cơ quan doanh nghiệp quan tâm đến công tác đoàn của địa phương, giúp việc xã hội hóa kinh phí hoạt động thuận lợi hơn. Chị Huệ cho biết, hiện tại sáng kiến đã được UBND huyện Định Hóa nhân rộng, áp dụng đăng tải bản tin từ công nghệ AI trên cổng thông tin điện tử huyện.

MỚI - NÓNG