Hai người em giàu có, kín tiếng của Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng như những ‘tướng tiên phong’ thực thi những thương vụ của ông trùm chứng khoán lựa chọn: tìm cơ hội và đầu tư hay thâu tóm trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Vòng tròn anh em
Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, ông Nguyễn Mạnh Hùng, em trai của Chủ tịch HĐQT SSI Nguyễn Duy Hưng vừa mua thỏa thuận 5 triệu cổ phiếu SSI, tương đương 1,06% vốn, từ Công ty TNHH Đầu tư NDH.
Giao dịch trong nội bộ công ty nên giá bán chưa được công bố. Tuy nhiên, nhiều NĐT cho rằng đây là một sự dịch chuyển vốn trong nhóm cổ đông gia đình, anh em nhà ông Nguyễn Duy Hưng. Và đây có thể là một bước tiến của ông Hùng vào SSI, giống như một người em trai khác của ông Hưng - ông Nguyễn Hồng Nam đã từng làm từ trước đó.
Hiện ông Nguyễn Duy Hưng là Chủ tịch HĐQT Đầu tư NDH đồng thời là chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn.
Kể từ khi ông Hùng đăng ký mua SSI, thông tin này ít nhiều đã tác động tích cực tới SSI. Cổ phiếu SSI đã có một tuần tăng giá khá mạnh, ngược chiều với một đợt giảm khá thê thảm trên TTCK với chỉ số VN-Index trên đường từ 600 về gần 560 điểm. Với giao dịch này, số tiền thu về khoảng 112 tỷ đồng.
Sau vụ chuyển nhượng, Công ty TNHH Đầu tư NDH còn nắm giữ hơn 48 triệu cổ phiếu SSI, tương đương hơn 10% cổ phần. Tổng giá trị cổ phiếu SSI của ba anh em doanh nhân ông Hưng vẫn không thay đổi, tương đương hơn 55,5 triệu cổ phần (khoảng 12%), bỏ xa so với cổ đông lớn thứ 2 tại SSI là Daiwa Securities Group Inc sở hữu hơn 9% vốn.
Trước đó, trong tháng 10, ông Hưng và em trai Hồng Nam đã không bỏ lỡ cơ hội mua bộ số cổ phiếu ESOP (một loại cổ phiếu ưu đãi) được mua. Ông Hưng đã mua gần 1,79 triệu SSI, ông Nam mua gần 730 ngàn SSI.
Mặc dù là em thứ 2 sau ông Hưng, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng tham gia vào TTCK muộn hơn ông Hồng Nam. Ông Hùng tham gia vào CTCP Xuyên Thái Bình (giờ là Tập đoàn PAN) từ 2012-2013. PAN hiện là công ty liên kết của SSI, với tỷ lệ SSI nắm giữ vốn gần 14%.
Ông Nguyễn Hồng Nam là em thứ 3 nhưng tham gia vào TTCK khá sớm, từ 1999 với những vị trí lãnh đạo tại SSI và Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), rồi PAN.
Nổi sóng Mặc dù không nổi tiếng bằng ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng nhưng cả ông Mạnh Hùng và ông Hồng Nam đều có vị thế đáng nể tại nhiều DN lớn trong và ngoài sàn chứng khoán. Họ đều đang theo con mà ông Hưng lựa chọn: cất tài sản và dành thời gian vào chứng khoán. Ông Hùng cũng được biết đến là người tham gia vào “trận chiến” Bibica trong cuộc so găng với đại gia Hàn Quốc Lotte trong việc giành lại một phần trên thị trường bánh kẹo trị giá cả hàng tỷ USD vốn đã và đang rơi vào tay các DN nước ngoài. Đường Mặt Trời chính là DN đã xuất hiện giúp SSI cân bằng với Lotte tại Bibica trong năm 2014. Sự xuất hiện của các DN của ông Hùng đã giúp SSI của ông Nguyễn Duy Hưng nhanh chóng lấy lại cân bằng trong các thương vụ tại Bibica hay tại SSI sau khi cổ đông ngoại lớn ANZ thoái vốn. Ông Nguyễn Hồng Nam đã tham gia vào SSI ngay từ những ngày đầu tiên với vị trí phó tổng giám đốc và thành viên HĐQT. Hiện tại ông Nam vẫn đảm nhiệm các vị trí này tại SSI. Bên cạnh đó, ông Nam có công ty riêng cũng nổi tiếng không kém là BĐS Sài Gòn Đan Linh - DN hiện đang nắm giữ gần 26,3 triệu SSI (tương đương 5,5%). BĐS Sài Gòn Đan Linh cũng chính là DN đã mua vào một lượng lớn cổ phiếu SSI khi mà ANZ thoái vốn. Mới đây nhất, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của SSI, ông Nguyễn Hồng Nam, đại diện SSI báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2014 và kế hoạch năm 2015. Xu hướng đầu tư vào nông nghiệp của ông Nguyễn Duy Hưng gần đây cũng được sự hỗ trợ của 2 em trai. Công ty Nguyễn Sài Gòn của ông Mạnh Hùng hiện đang nắm giữ hơn 2,6 triệu cổ phiếu PAN. Đường Mặt Trời nắm giữ hơn 2,4 triệu PAN. Trong khi BĐS Sài Gòn Đan Linh của ông Hồng Nam cũng đang nắm giữ hơn 1,9 triệu PAN. PAN đang sở hữu gần 63% cổ phần Giống cây trồng Trung ương (NSC). Gần đây DN này đã liên tục thực hiện các thương vụ M&A để tấn công vào lĩnh vực nông nghiệp, theo hướng hoàn thiện cả chuỗi giá trị, từ nông trại đến bàn ăn. PAN hiện sở hữu 2 công ty lớn nhất trong lĩnh vực lúa giống, ngô giống. Ở góc độ “bàn ăn”, PAN có gạo, thủy sản, bánh kẹo, hạt điều… Cùng với sự hỗ trợ lẫn nhau, anh em nhà ông Hưng hiện đang nắm cổ phần chi phối ở rất nhiều lĩnh vực quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, các DN của 3 anh em ông Hưng cũng thu về những khoản lời khổng lồ từ rất nhiều công ty liên kết trong những vực nông nghiệp, thủy sản và thực phẩm như: SSC, LAF, GIL, HVG... Cho dù phần lớn tài sản đã được chuyển về các công ty riêng quản lý, ông Nguyễn Duy Hưng vẫn được xem là một trong những người giàu nhất trên TTCK VN, với tài sản lên tới cả ngàn tỷ. Ông Mạnh Hùng và ông Hồng Nam cũng có khối tài sản rất lớn cho dù khó đo đếm.
Theo Theo VEF/ VietNamNet