Hai con rồng sống động suốt 325 năm trên mái đình cổ ở Đồng Nai

0:00 / 0:00
0:00
Xuất phát từ mạch ngầm văn hóa truyền thống của dân tộc cùng với hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa, trên hệ thống di sản vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hơn 325 năm tuổi…, hình tượng linh vật rồng hiện diện như một 'dòng chảy' xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại.

Hình tượng rồng trên các đình, chùa, miếu mạo… gắn bó, hòa hợp, được thể hiện đa dạng trong nghệ thuật tạo hình và trở thành một bộ phận tạo nên niềm tin, ước mơ, khát vọng của người dân Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung trong thời hội nhập.

Hình tượng rồng trên hệ thống di tích.

Là một trong 3 ngôi chùa cổ được xây dựng đầu tiên ở Biên Hòa, chùa Long Thiền (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) do Tổ sư Thành Nhạc thuộc dòng Lâm Tế lập nên từ năm 1664.

Trải qua bao thế kỷ, ngôi chùa được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, khang trang như hiện nay, trở thành điểm đến hành hương của đông đảo người dân và du khách.

Năm 1991, chùa được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TTDL) công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.Tại di tích chùa Long Thiền có nhiều biểu tượng rồng được trang trí. ThS Phan Đình Dũng, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM cho hay, chùa Long Thiền theo phong thủy tọa lạc trên một vùng đất long mạch quý.

Trước chùa có sông Đồng Nai, sau lưng chùa có núi Châu Thới, từ chùa tỏa ra quanh vùng, từ P.Bửu Hòa đến Thạnh Hội là “long mạch của Thanh Long”, còn mũi Châu Thới dựng lên như cánh đuôi rồng, chùa Long Ẩn biểu trưng miệng rồng, núi Bửu Phong biểu thị “trái châu”, ví như rồng ngậm trái châu.

Nhiều người kỳ vọng, năm rồng sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho đất nước, cho vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Hai con rồng sống động suốt 325 năm trên mái đình cổ ở Đồng Nai ảnh 1
Hình tượng rồng trên mái di tích đình Tân Lân (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Chùa Bửu Phong (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) nằm trong địa thế núi, xung quanh có nhiều cây cổ thụ, nhiều tảng đá lớn được gọi tên theo hình dạng như Hàm Hổ (Hổ đầu thạch), Hàm Rồng (Long đầu thạch). Từ trong chánh điện đến các lối đi, xung quanh các cụm tượng Phật, trên nóc chùa…, người hành hương đều bắt gặp nhiều hình rồng được trang trí, đắp nổi uốn quanh, chạm trổ, điêu khắc hết sức tinh vi, có sức gợi mở trí tưởng tượng cao.

Tại hệ thống các di tích như: đình Tân Lân, chùa Ông, Nhà hội Bình Trước, Đài Kỷ niệm (còn gọi là Đài Chiến sĩ nằm ở P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa)…, hình tượng rồng được trang trí khá độc đáo. Phần lớn hình tượng rồng tại các di tích này được thực hiện trên chất liệu gốm Biên Hòa. Màu sắc chủ yếu được sử dụng là màu xanh cô-ban, xanh đồng.

TS Nguyễn Văn Quyết, nhà nghiên cứu văn hóa ở TP.Biên Hòa cho biết, con rồng là linh vật đứng hàng đầu trong tứ linh: long, lân, quy, phụng. Dân tộc Việt Nam có truyền thuyết về rồng từ rất sớm, bởi nó gắn liền với mây, mưa, với việc trồng lúa nước, với sự tích con Rồng, cháu Tiên...

Đặc biệt, trên hệ thống di sản, hình tượng con rồng mang nhiều ý nghĩa, trở thành đề tài trang trí xuất hiện trên hệ thống cột, kèo, bình phong, hoành phi, câu đối, tam bảo, nóc ở các đình, chùa, đền… Nhiều cụm “lưỡng long tranh châu”, “lưỡng long chầu nhật” hay “lưỡng long chầu pháp lam” được gắn tại các di tích rất công phu, thể hiện tài năng khéo léo của các nghệ nhân.

“Qua các tác phẩm nghệ thuật và sinh hoạt văn hóa dân gian, hình tượng rồng thêm một lần nữa được khẳng định, trở thành một bộ phận tạo nên niềm tin, ước mơ, khát vọng của người dân Việt Nam trong thời hội nhập.

Niềm tin tâm linh nguyên thủy của cư dân văn minh lúa nước xưa được truyền lại đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Bởi vậy, hình tượng rồng vẫn luôn là một phần quan trọng không thể thiếu trong tâm thức và đời sống văn hóa tinh thần của người Việt nói chung, người Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng” - TS Nguyễn Văn Quyết chia sẻ.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Để phát huy giá trị của hệ thống di sản hơn 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã và đang được ngành VH-TTDL đẩy mạnh trùng tu, tôn tạo bài bản, khoa học, đúng với bản vẽ ban đầu. Đối với các công trình trùng tu, tôn tạo có hình tượng rồng, các nghệ nhân chú trọng bảo tồn nguyên vẹn rồng trên di tích, nhất là các hình tượng rồng được thực hiện trên chất liệu gốm Biên Hòa, qua đó “đánh thức” vẻ đẹp của rồng trong đời sống hôm nay.

Là một trong những nghệ nhân chuyên thực hiện hình tượng rồng bằng gốm cho các di tích, anh Hoàng Ngọc Hiến (Ban Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) cho hay, rồng từ lâu đã trở thành biểu tượng đẹp trong văn hóa và là đề tài sáng tác trong nhiều lĩnh vực như: hội họa, điêu khắc, kiến trúc, mỹ nghệ. Hình tượng rồng được sử dụng trên các chất liệu như: đá, gốm, vải, sừng, gỗ… Sự kết hợp này là biểu hiện cho mối giao hòa giữa văn hóa xưa và nay.

“Phong cách thể hiện rồng qua các thời kỳ là một căn cứ để các nhà khoa học xác định niên đại công trình kiến trúc nào đó. Bởi vậy, khi tôn tạo hình tượng rồng trên các di tích, chúng tôi tiến hành phục dựng đúng nguyên trạng. Các con rồng được làm từ gốm Biên Hòa được thực hiện thủ công. Từ đó, giới thiệu nét đặc sắc của gốm Biên Hòa đến công chúng, thu hút du khách trong và ngoài nước, giúp họ được chứng kiến những giá trị di sản độc đáo mà cha ông để lại” - anh Hiến nói.

Theo Quyền Trưởng ban Trị sự Thất phủ cổ miếu (chùa Ông, TP.Biên Hòa) Huỳnh Hữu Nghĩa, đa số các hiện vật ở di tích chùa Ông có tuổi đời hàng trăm năm, các đề tài trang trí như: rồng chầu mặt trời, tứ linh, cửu long, bát tiên, rồng - mây… được điêu khắc rất tinh vi, sắc sảo.

Thời gian qua, Ban Trị sự chùa Ông đã làm việc với ngành văn hóa để xin phép thay các tượng trang trí ở chùa đã mất, hư hỏng theo đúng quy định bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Việc phục dựng rất phức tạp, các nghệ nhân phải xem xét từng bức tượng trên cơ sở những hình ảnh được chùa lưu trữ, vừa đảm bảo mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di tích, vừa phù hợp với kiến trúc cổ xưa.

Tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, trong nhiều lễ hội dân gian hay các ngày lễ, Tết ở Biên Hòa - Đồng Nai thường không thể thiếu tiết mục múa rồng. Dù đặc điểm sáng tạo khác nhau nhưng rồng luôn là hình tượng cao đẹp, biểu trưng cho nguồn gốc, sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của dân tộc...

Theo Ly Na/Báo Đồng Nai
MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Bàng hoàng những trang sách tả cảnh 'giường chiếu'; Thông tin về 'hội vỡ nợ muốn làm liều'
TPHCM 24/7: Bàng hoàng những trang sách tả cảnh 'giường chiếu'; Thông tin về 'hội vỡ nợ muốn làm liều'
TPO - Xôn xao clip tố CSGT đạp xe người vi phạm; Công an TPHCM theo dõi sát 'hội vỡ nợ muốn làm liều'; Trường Quốc tế phát sách tả cảnh gợi dục cho học sinh; 16 học sinh ngộ độc đều ăn sushi trước trường, Sở Y tế TPHCM ra khuyến cáo,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.