Công nhân ở lại TPHCM đón Tết: 'Năm nay vừa đủ ăn là mừng rồi'

0:00 / 0:00
0:00
Cố cầm cự khi công ty giảm giờ làm, lọc nhân sự… nhiều gia đình công nhân ở TPHCM không đủ điều kiện về quê ăn Tết. Những người trụ lại thành phố để tiết kiệm tiền, trông đợi năm mới tươi sáng hơn.

Trưa 26 tháng Chạp, sau giờ làm, anh Nguyễn Văn Công (44 tuổi, quê Bình Định) vội ghé chợ mua bó rau về căn phòng trọ trong hẻm trên đường Phạm Đăng Giảng, phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) để bà xã chuẩn bị bữa trưa cho hai con.

Căn phòng trọ chưa đầy 15m2 nóng hừng hực. Vợ anh Công đang vội nấu bữa cơm trưa đơn giản khi đồng hồ đã quá 12h. "Năm nay công việc của hai vợ chồng khó khăn. Chúng tôi cũng muốn đưa hai con về quê ăn Tết với ông bà nhưng không đủ điều kiện", người đàn ông nói.

"Cả nhà cùng về quê, tiền đâu chịu nổi"

Hộ anh Công là một trong hàng nghìn gia đình công nhân khác tại TPHCM chọn ở lại thành phố qua Tết vì không đủ điều kiện về quê, sau một năm sóng suy thoái kinh tế quét qua.

Ngồi phụ vợ nhặt rau, anh Công cho biết hai vợ chồng cưới được gần 10 năm và chọn TPHCM làm nơi mưu sinh. Anh làm nhân viên công ty gas còn vợ làm công nhân may.

Công nhân ở lại TPHCM đón Tết: 'Năm nay vừa đủ ăn là mừng rồi' ảnh 1

Anh Công ngồi nhặt rau cùng con trai út trong căn phòng trọ trên đường Phạm Đăng Giảng (Ảnh: An Huy).

Năm qua thật sự là quãng thời gian khó khăn đối với gia đình anh. Công ty vợ anh bị cắt giảm đơn hàng, ngoài 8h làm việc mỗi ngày không được tăng ca, bà xã còn phải nghỉ làm thứ 7 và chủ nhật. Lương của anh vỏn vẹn 7 triệu đồng. Tính ra thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng chỉ 12 triệu.

Trong khi đó, mỗi tháng tiền phòng đã ngốn 3 triệu đồng, hai con đi học hết 5 triệu đồng, tiền ăn tằn tiện của cả nhà cũng không dưới 3 triệu đồng.

"11 triệu đồng là khoản cố định gia đình tôi phải chi mỗi tháng. Hai vợ chồng còng lưng đi làm, lương tháng nào tiêu hết tháng đó. Đã rất lâu rồi, gia đình tôi chưa đi hàng quán, ăn một bữa ngon đúng nghĩa", anh Công kể.

Người đàn ông cho biết những năm trước dịch Covid-19, công việc của hai vợ chồng thuận lợi vì được tăng ca, có thưởng Tết. Thành thử cuối năm, gia đình luôn háo hức kéo nhau về quê ăn Tết cùng cha mẹ, ông bà.

Năm nay không còn khoản nào bỏ ra được, gia đình anh đành trụ lại TPHCM chờ đi làm. "Ba mẹ già rồi, tôi cũng muốn về quê thăm nom nhưng một mình tôi về, bỏ vợ con ở lại thành phố thì không đành, mà cả nhà cùng về thì tiền đâu chịu nổi", ông bố 2 con chia sẻ.

Anh Công tính nếu về quê, cả nhà 4 người phải tốn ít nhất 7 triệu tiền vé xe khách hai chiều. Tiền mừng cha mẹ hai bên nội ngoại, sắm đồ Tết cho vợ con, lì xì và các khoản chi tiêu khác, chắc phải 30 triệu đồng mới đủ.

"Chỉ công nhân mới thực sự hiểu, thấm những khó khăn kinh tế trong giai đoạn hiện nay", anh Công nói.

"Mừng vì còn việc làm"

Nằm sâu trong hẻm 22 Tân Thới Nhất 8, phường Tân Thới Nhất (quận 12) là căn phòng trọ 20m2 của 7 thành viên gia đình ông Võ Văn Nguyên (64 tuổi, quê An Giang). Vợ chồng ông hiện sống cùng hai con gái, hai con rể và cháu ngoại.

Đại gia đình ông Nguyên năm nay cũng không về quê ăn Tết vì công việc khó khăn suốt một năm. Ông làm nghề phụ hồ nhưng bị bệnh tim, thất nghiệp mấy tháng nay. Trong khi đó, bà xã cũng bị bệnh, phải ở nhà. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào vợ chồng hai con gái.

Công nhân ở lại TPHCM đón Tết: 'Năm nay vừa đủ ăn là mừng rồi' ảnh 2

Ông Nguyên thái kiệu cho con gái chuẩn bị dầm mắm, làm món ăn Tết tại căn phòng trọ (Ảnh: An Huy).

Năm nay công ty không có đơn hàng, hai vợ chồng con gái ông cũng làm cầm chừng, không tăng ca nên thu nhập chỉ vừa đủ chi tiêu. Đã 4 năm trôi qua, gia đình ông chưa về quê ăn Tết, dù nhà chỉ cách TPHCM 250km.

Gia đình ông xem Tết Nguyên đán giống như mọi ngày, sinh hoạt bình thường. Vợ chồng ông cũng không sắm thêm bộ đồ mới nào.

"Năm nay công nhân mất việc nhiều quá, mọi người trả phòng về quê rất đông. Tôi mừng vì các con vẫn còn việc làm. Gia đình tôi đủ ăn và mạnh khỏe là vui rồi, tiền đâu mà về quê ăn Tết", ông Nguyên nói.

Cách đó 30m là phòng trọ của anh Nguyễn Thành Tân và vợ là Cao Thị Muội (cùng 34 tuổi, quê An Giang). Hai vợ chồng đang sống cùng con trai 3 tuổi. Đây là cái Tết thứ 2 xa quê của gia đình nhỏ.

Anh Tân làm nghề bốc vác còn vợ làm công nhân may. Vợ chồng anh có thu nhập khoảng 11 triệu đồng mỗi tháng, mức chỉ đủ tiêu.

Anh Tân cho biết năm nay công ty khó khăn nên việc làm của hai vợ chồng cũng bấp bênh theo. Như nghề bốc vác của anh, công ty có hàng thì mới làm, còn không thì phải nghỉ ở nhà.

Vợ anh mấy năm trước thường làm tăng ca đến khuya nên thu nhập gần 10 triệu đồng mỗi tháng. Năm nay số lần tăng ca đếm chưa đầy 10 ngón tay nên chỉ nhận được lương cơ bản hơn 5 triệu đồng.

"Nhà tôi nhận lương tháng nào là chi tiêu hết tháng đó. Công ty năm nay khó khăn cũng cắt thưởng, thành thử hai vợ chồng đành ở lại thành phố ăn Tết, chờ năm mới làm lại", anh Tân nói.

Công nhân ở lại TPHCM đón Tết: 'Năm nay vừa đủ ăn là mừng rồi' ảnh 3

Chị Muội (vợ anh Tân) cho biết đã 2 cái Tết chưa có điều kiện về thăm quê (Ảnh: An Huy).

Theo anh Tân, những ngày gần Tết, cha mẹ ở quê cũng hay gọi điện bảo nhớ cháu, giục con về. Tuy nhiên hai vợ chồng đành chịu vì không có điều kiện về thăm quê.

"Tôi mong năm sau công việc của hai vợ chồng ổn định hơn để có điều kiện đưa cháu về thăm ông bà", anh Tân bày tỏ.

Mới đây, ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, Tết năm 2024, thành phố sẽ tổ chức chăm lo cho 48.402 trường hợp đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, không có điều kiện về quê đón Tết; công nhân viên chức tiêu biểu, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tham gia tích cực hoạt động công đoàn...

Theo ước tính, mức kinh phí chăm lo cho người lao động dịp này khoảng hơn 33 tỷ đồng (nguồn tài chính Công đoàn TPHCM, chưa tính nguồn cơ sở).

Đồng thời, Liên đoàn Lao động TPHCM đã duyệt chi hỗ trợ 7.903 trường hợp đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng.


Link gốc: https://dantri.com.vn/an-sinh/cong-nhan-o-lai-tphcm-don-tet-nam-nay-vua-du-an-la-mung-roi-20240128232827235.htm?

Theo Dân trí
MỚI - NÓNG