Hà Nội không có quảng trường công viên sức chứa 50 nghìn người là 'rất vô lý'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, để phát triển công nghiệp văn hoá, cần rà soát, bổ sung quy hoạch, hướng tới phát triển cơ sở hạ tầng tương xứng với tiềm năng, vị thế của thành phố; hướng tới việc đủ điều kiện đăng cai các sự kiện tầm cỡ khu vực, quốc tế.

Sáng 16/8, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” (Nghị quyết số 09-NQ/TU).

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ trụ sở Thành ủy Hà Nội trực tuyến đến 625 điểm cầu trên địa bàn thành phố với sự tham dự của 26.374 đại biểu.

Hà Nội không có quảng trường công viên sức chứa 50 nghìn người là 'rất vô lý' ảnh 1

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phổ biến nội dung Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hoá của Thành uỷ Hà Nội. Ảnh: PV

Trực tiếp phổ biến nội dung Nghị quyết, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Quán triệt một số nội dung cụ thể, ông Phong đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, bản quyền các sản phẩm công nghiệp văn hoá.

Theo ông Phong, một video ca nhạc, một bộ phim vừa ra mắt đã bị đạo nhái, một sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa ra lò đã bị đạo nhái thì không thể phát triển được. "Sở KH&CN cần phải lưu ý vấn đề này. Nếu không làm tốt vấn đề này thì không thể phát triển công nghiệp văn hoá", ông Phong nói.

Ông Phong cũng cho biết, phải đổi mới tư duy để văn hoá gắn liền với sáng tạo. Khi sáng tạo, sẽ có yếu tố mới trong sản phẩm, mang phong cách, tư tưởng của nghệ nhân, nghệ sĩ, rất cần có cái nhìn khoan dung, độ lượng, đa chiều, tránh việc nhìn nhận chủ quan, áp đặt, duy ý chí.

Phó Bí thư Hà Nội cũng nêu, hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng ở Thủ đô còn nhiều hạn chế, cần quy hoạch, đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện, đáp ứng phát triển công nghiệp văn hoá.

"Phải bổ sung quy hoạch phát triển văn hoá của cả thành phố và các địa phương, liên quan đến thiết chế văn hoá thể thao, liên quan đến khu công cộng. Hiện nay cái này đang rất thiếu. Thủ đô 10 triệu dân nhưng một quảng trường công viên sức chứa khoảng 50 nghìn người để có thể tổ chức được sự kiện lớn không có", ông Phong nói đồng thời cho rằng đó là điều "rất vô lý".

"Sân vận động Hàng Đẫy chứa được khoảng mấy nghìn người. Sân Mỹ Đình của Bộ VHTT&DL quản lý. Trong khi ở các nước, Thủ đô có các đội bóng thì mỗi đội có một sân, chưa kể các hạ tầng khác nữa. Mình đang rất thiếu, nên cần bổ sung trong kỳ này và phải xây dựng quy hoạch tổng thể. Vấn đề này Sở VHTT đang làm", ông Phong chia sẻ thêm.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng cho biết, chủ trương của thành phố sẽ đẩy mạnh hợp tác công tư trong khai thác các thiết chế văn hoá. "Tài sản công nhưng quản trị tư. Nhiều nước đã làm như vậy. Tài sản nhà nước, nhưng cho đấu thầu quản lý sử dụng trong 5 – 10 năm để phát huy giá trị. Phải phát huy cái này, đặc biệt là các thiết chế văn hoá trên địa bàn thành phố. Đây chắc chắn là xu hướng chung", ông Phong nói.

Ông Phong cũng kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị phối hợp với thành phố Hà Nội đầu tư phát triển công nghiệp văn hoá. Có cơ chế nghiên cứu, hình thành quỹ giải thưởng văn hoá, quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ có tác phẩm mới, hỗ trợ việc quảng bá, biểu diễn các tác phẩm nổi bật ra nước ngoài...

Ông Nguyễn Văn Phong cũng nêu, phải hướng tới tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc gia, khu vực, quốc tế để tập trung chỉ đạo. Cần có kế hoạch, lộ trình trong giai đoạn 3 - 5 năm, tiến tới tổ chức các sự kiện tầm cỡ như vậy thường niên. "Nếu không có sự kiện tầm cỡ thì không thể có công nghiệp văn hoá", ông Phong nêu.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Nghị quyết đặt ra mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các thành phố trong khu vực; là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.