Nâng tầm nhà hát Thủ đô: Giấc mơ nhà hát nghìn tỷ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sân khấu nâng lên, hạ xuống, tách-nhập, kết hợp nước và cạn trong cùng mặt sàn cho những vở diễn tổng hợp đủ các loại hình là giấc mơ của hầu hết những người làm nghệ thuật. Ðiều đó chỉ có được khi Hà Nội đầu tư đồng bộ một nhà hát xứng tầm, có kiến trúc trở thành biểu trưng cho Thủ đô ở thời đại mới.

Nâng tầm công nghiệp biểu diễn

Nhìn lại hệ thống rạp hát của thành phố, kể cả những nhà hát được đầu tư xây mới hơn chục năm trước cũng không tránh khỏi hạn chế: Muốn vận chuyển bối cảnh, đạo cụ lên rạp Đại Nam không có thang máy, buộc phải bê tay và leo thang bộ. Có nhà hát không có đường lên sân khấu cho diễn viên, hầm để xe nhỏ và chật chội… Nhà hát Lớn xây dựng hơn trăm năm trước vẫn là nơi biểu diễn sang trọng, thế nhưng không đáp ứng được một số kỹ thuật biểu diễn hiện đại. “Hiện nay, cơ sở vật chất của sáu đơn vị nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội vẫn đứng đầu so với mặt bằng các đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Tuy nhiên các rạp hát này vẫn cần đầu tư xây dựng hoặc chỉnh trang lại bởi đó là bộ mặt văn hóa của Hà Nội”, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nói.

Nâng tầm nhà hát Thủ đô: Giấc mơ nhà hát nghìn tỷ ảnh 1

Cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp biểu diễn. Ảnh: LỘC LIÊN

Hà Nội xác định nghệ thuật biểu diễn là 1 trong 12 lĩnh vực của công nghiệp sáng tạo, thậm chí được xem là “át chủ bài” để kiếm tiền tỷ từ những sản phẩm văn hóa-giải trí. “Tôi khao khát xây dựng Nhà hát kịch Hà Nội trở thành trung tâm đa năng, lấy kịch nói làm trung tâm. Diễn viên đa năng, biểu diễn được nhiều loại hình tổng hợp như hát, múa, xiếc...Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện khi có được thiết chế nhà hát đồng bộ, hiện đại cả về trang thiết bị âm thanh, ánh sáng và công nghệ phụ trợ”, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nêu.

NSƯT Trần Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long chung nỗi trăn trở khi muốn dựng những vở diễn, chương trình biểu diễn tổng hợp phục vụ khách quốc tế. “Không thể cứ mở cửa phục vụ mãi những tiết mục quen thuộc, đến một lúc nào đó du khách sẽ không còn gì để xem nữa. Nhà hát sở hữu vị trí “kim cương” nhưng chưa được đầu tư công nghệ phụ trợ tương xứng cho những chương trình biểu diễn hiện đại”, NSƯT Thanh Hiền nói.

Sau một số chuyến lưu diễn và tham quan ở Hàn Quốc, Nhật Bản… NSND Trung Hiếu đem ý tưởng sân khấu xoay về sàn diễn Nhà hát Kịch Hà Nội. Sự đầu tư và thay đổi thực tế còn chắp vá, bởi không thể tạo ra bước đột phá trên nền tảng cũ. “Chúng ta vẫn đang giữ mức duy trì sử dụng, sửa chữa nhỏ lẻ chứ chưa mang tính tổng thể và đầu tư có chiều sâu cho thiết chế hiện có. Chúng ta phải quyết tâm để thay đổi thì mới mong phát triển được. Mức thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng thì làm sao để nghệ sĩ cống hiến và sống bằng nghề”, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội phân tích. NSND Trung Hiếu chỉ ra thực tế, Nhà hát Lớn có hệ thống âm thanh vòm được thiết kế tỉ mỉ chuyên nghiệp trong khi đa phần các nhà hát còn lại đều là thiết kế hội trường, tiêu chí cách âm, âm thanh rất hạn chế. “Muốn phát triển công nghiệp văn hóa thì cần phải tư duy nâng tầm thành công nghiệp biểu diễn”, NSND Trung Hiếu phát biểu.

“Nếu ta chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì khó khả thi. Chúng ta nên nghĩ tới hình thức hợp tác công-tư trong đầu tư và phát triển công nghiệp biểu diễn, công nghiệp văn hóa. Tôi rất mừng khi lãnh đạo thành phố có ý tưởng đầu tư một nhà hát hiện đại, xứng tầm”.

NSND Trung Hiếu

Nhà hát nghìn tỷ, sao không?

Nhiều công trình văn hóa, nhà hát đã trở thành biểu tượng không chỉ của một điểm đến, mà còn của một quốc gia. Không chỉ tạo nên vị thế cho quốc gia đó, những công trình biểu tượng này đem về doanh thu khổng lồ. Nhà hát lớn quốc gia Bắc Kinh ra mắt năm 2007 trong kiểu dáng của viên ngọc trai khổng lồ. Từng vấp phải nhiều tranh cãi, song giờ đây, mỗi năm, nhà hát tổ chức thành công đến 1.000 buổi biểu diễn thương mại, 1.000 buổi giáo dục nghệ thuật và thu hút khoảng 3 triệu lượt khách. Nhà hát Con sò-Opera Sydney- là “kiệt tác của kiến trúc thế kỷ XX”, “biểu tượng kiến trúc nổi tiếng thế giới”, một biểu tượng của thành phố Sydney, của Australia. Nhà hát này đón gần 11 triệu du khách tới tham quan mỗi năm.

Nâng tầm nhà hát Thủ đô: Giấc mơ nhà hát nghìn tỷ ảnh 2
Cung thiếu nhi mới được đầu tư hơn nghìn tỷ đồng là một trong những thiết chế mới, xứng tầm của Thủ đô. Ảnh: DUY PHẠM

Giấc mơ nhà hát nghìn tỷ đồng thể hiện tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo thành phố, khi mà công nghiệp văn hóa trở thành mục tiêu ưu tiên của Thủ đô. UBND thành phố Hà Nội từng thông qua Dự án Nhà hát Hoa Sen tại Khu công viên hồ điều hòa CV1 (khu đô thị mới Cầu Giấy) với diện tích khoảng 4 ha có quy mô 6 tầng, cao 54 m được thiết kế như bông sen nổi trên mặt nước. Dự kiến có công suất 2.000 chỗ ngồi, đảm bảo cho khoảng 25.000 người vào vui chơi mỗi ngày.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2018, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất dừng triển khai dự án Nhà hát Hoa Sen. Khu vực “đất vàng” này được chuyển thành dự án Cung thiếu nhi mới với tổng mức đầu tư 1.376 tỷ đồng. Dự án này được thiết kế, xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại, gần gũi với thiên nhiên, và sử dụng nhiều thiết bị tự động thông minh. Công trình bao gồm nhà hát 800 chỗ, rạp chiếu phim 200 chỗ, nhà thi đấu 500 chỗ, bể bơi 10 làn, nhà học và thư viện, tháp thiên văn...

Công trình nghìn tỷ hình thành trong nay mai này có thể góp thêm vào các thiết chế văn hóa của Hà Nội. Có thể sẽ có thêm công trình mang biểu trưng của Thủ đô tương xứng hơn nữa.

Nhà hát không chỉ để ngắm

Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, Hà Nội là thủ đô, là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế nên việc xây dựng một nhà hát mang tầm quốc gia rất cần thiết.

Tuy nhiên, việc đặt nhà hát ở đâu lại là một bài toán cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Bởi vì xây dựng một công trình như vậy không phải chỉ để ngắm, mà công trình phải tham gia vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của thành phố.

“Hạ tầng giao thông xung quanh nhà hát phải bố trí và kết nối như thế nào? Ở các nước trên thế giới, nhà hát thường kết nối với quảng trường, ga tàu điện ngầm… Chỉ cần người dân xuống xe, đi lên mặt đất là đến được nhà hát, quảng trường. Tuy nhiên, đây là bài toán không phải muốn là làm được ngay. Vị trí nhà hát có thuận lợi mới thu hút được người dân đến, chứ để ở nơi xa quá, giao thông không thuận tiện thì ai đến. Đó là bài toán về quy hoạch, tầm nhìn, một tư duy có văn hóa của những người lãnh đạo lúc này”, KTS. Phạm Thanh Tùng nói.

Đối với một công trình nhà hát xứng tầm quốc gia, chuyên gia đề xuất phải thi tuyển phương án kiến trúc, thậm chí nhờ bạn bè quốc tế lựa chọn. Bởi vì một công trình kiến trúc của một kiến trúc sư nổi tiếng đặt ở Thủ đô cũng là một điểm thu hút khách, và tạo một điểm nhấn văn hóa mới của thủ đô-thành phố sáng tạo, thành phố vì hòa bình.

“Thực tế, nước ta chưa phải một nước giàu, nên cũng có một hướng khác là nâng cấp các nhà hát hiện có, nâng cao hơn nữa sản phẩm văn hóa, nội dung của các tác phẩm của chương trình biểu diễn. Như vậy nhà hát bây giờ phải rất đa năng, vừa là nhà hát, đồng thời lại là sân khấu biểu diễn thời trang và tạp kỹ”, KTS. Phạm Thanh Tùng phân tích.

Bên cạnh quy mô, thiết kế hiện đại, nhà hát tầm cỡ cần đầu tư về nội dung nhằm tạo dấu ấn. “Để thu hút được khán giả, thì một trung tâm biểu diễn cần có cơ sở vật chất đẹp, khang trang để người dân có thể chụp ảnh, tham quan còn cần có những vở diễn, chương trình mang đậm dấu ấn. Các nhà hát hiện giờ đang chú trọng đến các buổi diễn với nội dung truyền thống, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt mà quên đi yếu tố thị hiếu khiến các buổi diễn chưa thu hút được khán giả”, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO Cty AZA Travel nêu ý kiến.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.