Nâng tầm nhà hát Thủ đô

Đỏ mắt tìm nhà hát tầm quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hà Nội chưa có nhà hát xứng tầm để hiện thực hóa chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Công trình tầm cỡ mang biểu tượng của Thủ đô, tầm quốc gia thực sự cần được bàn thảo rốt ráo.

Câu chuyện nhà hát opera dự định được dựng lên ở sát Hồ Tây (Hà Nội) gây xôn xao dư luận. Thế nhưng đây cũng là dịp để các nhà hoạch định, nhà quản lý và người làm nghệ thuật nghiêm túc nhìn nhận thực trạng thiết chế văn hóa của Thủ đô, cụ thể là nhà hát. Có nơi được đầu tư cơ sở vật chất nhưng còn thiếu trước hụt sau, nơi lại không có nhà để “hát”. Hà Nội chưa có nhà hát xứng tầm để hiện thực hóa chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Công trình tầm cỡ mang biểu tượng của Thủ đô, tầm quốc gia thực sự cần được bàn thảo rốt ráo.

Sở hữu sáu nhà hát công lập, Hà Nội đứng đầu cả nước về thiết chế văn hóa nhưng với chừng đó chưa lấp đầy khoảng trống. Nhiều người phản ứng với Đồ án quy hoạch bán đảo Quảng An với nhà hát opera hiện đại, nhưng Hà Nội quả thực đang thiếu một nhà hát xứng tầm, mang dấu ấn thời đại.

Ký ức tươi đẹp

Một người đàn ông gần 60 tuổi đang trầm ngâm ngắm rạp Chuông Vàng trong ánh chiều tà. Chuông Vàng từng là một trong những địa chỉ vàng của sân khấu Thủ đô những năm 1970, nằm ở 72 Hàng Bạc với 142 ghế ngồi mới hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa. Ông là dân gốc phố cổ, nhà ngay sát rạp và tuổi thơ của ông chính là những buổi trốn vé vào rạp xem cải lương ké. Thời ấy, các giọng ca chính như Bích Lân, Huỳnh Điệp, Kim Chính, Kim Dung, Tố Phụng…, sau là NSND Như Quỳnh vô cùng được yêu thích và săn đón.

Đỏ mắt tìm nhà hát tầm quốc gia ảnh 1

Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng, chờ xây mới

Ký ức thời vang bóng của rạp Chuông Vàng còn rất tươi mới đối với người gốc phố cổ. “Rạp Chuông Vàng xưa đắt khách lắm, các buổi diễn hôm nào cũng hết vé và có ngày đoàn phải diễn hai suất vào chiều và tối. Có hôm, mới tờ mờ sáng, tôi đã thấy người ta xếp hàng để mua vé. Những người không mua vé kịp phải chấp nhận mua vé từ các cánh đi phe với giá cao hơn. Trước mỗi đêm diễn, mấy con phố quanh rạp đều chật ních người, có bà mắt kém muốn ngồi gần sân khấu để ngắm đào, nhìn kép thì gói cơm nắm, ngồi canh ở cửa rạp từ đầu giờ chiều, chỉ cần rạp mở cửa cái là ùa vào nhận chỗ ngay”, ông kể.

Cần có nhà hát xứng tầm quốc gia

“Về lâu dài, với vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội cần có nhà hát xứng tầm. Trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố ấp ủ ý tưởng đó rồi nhưng vẫn chưa được thực hiện”.

Ông Trương Minh Tiến – Nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội

Chẳng riêng cải lương, kịch nói hay chèo Hà Nội cũng qua một thời lẫy lừng với những cơn sốt vé nuôi sống cánh phe vé cả thời gian dài. “Thời chúng tôi, cứ cô nào hát chèo hay là y rằng không biết bao nhiêu người theo đuổi. Chèo được yêu thích đến nỗi, đâu đâu cũng thấy người ta hát chèo, các nhóm chèo, hội chèo thành lập khắp nơi”, bà N.T.B (74 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) kể.

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhớ lại thời bất cứ vở diễn nào ra mắt, khán giả đều hào hứng đón nhận. Rạp Công an, rạp Công nhân, Nhà hát Lớn… đều có cảnh khán giả xếp hàng dài. “Có người còn đổi đồng hồ hiệu để lấy đôi vé xem kịch”, ông nói. Trong ký ức của NSND Quốc Chiêm, Chủ tịch Hiệp hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, không thể thiếu hàng trăm suất diễn Nàng Sita của đôi kép-đào chính Quốc Chiêm-Lâm Bằng một thời nổi danh ở Nhà hát Chèo Hà Nội.

Vừa thừa vừa thiếu

Sáu nhà hát do Sở VHTT Hà Nội quản lý gồm Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Múa Rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội. Đa phần các nhà hát có quy mô khá nhỏ, từ 100 đến hơn 800 chỗ ngồi. Dịp 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, một số nhà hát được đầu tư nâng cấp, xây mới như rạp Đại Nam, rạp Chèo Hà Nội, rạp Công nhân.

“Tuy nhiên, so với yêu cầu hiện nay, Hà Nội cần thiết chế văn hóa tầm cỡ hơn nữa đáp ứng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và nhu cầu thưởng thức ngày càng khắt khe. Rạp Chuông Vàng mới được nâng cấp, rạp hát của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long dù được sửa chữa nhưng không phù hợp với công năng sử dụng, khai thác chưa hiệu quả”, ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội, nhận định.

Trở lại sau nhiều tháng đóng cửa do COVID-19, Nhà hát Múa rối Thăng Long thêm sinh khí khi sáng đèn hai suất mỗi ngày. Từ năm 1993, sau khi được xây dựng và cải tạo từ rạp chiếu bóng Hòa Bình, Nhà hát Múa rối Thăng Long giữ kỷ lục sáng đèn nhiều nhất cả nước. NSƯT Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát, cho biết, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội, nhà hát đã chỉnh trang một phần ở sảnh đón tiếp khách, một vài hạng mục nho nhỏ khác. Một vài sự thay đổi nhỏ ở bề ngoài cũng chưa bù đắp được sự xuống cấp ở khu vực sân khấu.

Thích thú khi được trải nghiệm nghệ thuật múa rối nước, du khách Dzin Lee Van (Singapore) vẫn chưa hài lòng bởi: “Ghế ngồi rất nhỏ. Tôi hy vọng lần tới tôi đến Việt Nam cùng với gia đình, nhà hát trang bị ghế ngồi lớn hơn”. Hiểu rất rõ sự bất tiện này nhưng NSƯT Trần Thanh Hiền cho biết nhà hát đang xin cơ chế để cải thiện cơ sở vật chất tương xứng vị thế “kim cương”. “Ghế ngồi của khán giả thực tế được thiết kế cho trẻ nhỏ, không phù hợp đón khách quốc tế”, NSƯT Thanh Hiền nói.

So với các đơn vị đã có nhà để “hát”, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội phải chạy vạy địa điểm cho từng suất diễn. Ông Bùi Thế Anh, người đứng đầu Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, kể, mỗi khi có hợp đồng biểu diễn, nghệ sĩ phải chạy tới rạp Đại Nam, rạp Công nhân, hoặc phối hợp Liên đoàn Xiếc Việt Nam… Trụ sở ở Thái Thịnh xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay, chỉ là nơi nghệ sĩ tập luyện qua ngày.

“Các thế hệ lãnh đạo thành phố quan tâm, nhiều lần xuống nhà hát kiểm tra và chỉ đạo xây mới, nhưng tới nay dự án vẫn nằm trên giấy. Cuối tháng 7 vừa rồi, Sở VHTT Hà Nội đã trình xin ý kiến xây dựng lại nhà hát. Thành phố có chủ trương hợp nhất Nhà hát với Rạp chiếu bóng Đống Đa để xây dựng thành trung tâm biểu diễn quy mô, vì vậy cơ sở vật chất xuống cấp cũng không được cấp kinh phí sửa chữa”, ông Thế Anh nói.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG