Hà Nội có hơn 2.500 công trình chưa nghiệm thu PCCC vẫn đưa vào hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, hiện tại, trên địa bàn thành phố có hơn 2.500 công trình chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn...
Hà Nội có hơn 2.500 công trình chưa nghiệm thu PCCC vẫn đưa vào hoạt động ảnh 1

Lực lượng PCCC kiểm tra các thiết bị PCCC tại nhà ở có nhiều căn hộ cho thuê.

Ngày 14/1, Công an TP Hà Nội thông tin, thực hiện Kế hoạch về khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố, qua thống kê, rà soát, tính đến nay trên địa bàn có 2.562 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Theo đó, các công trình này nằm rải rác ở các quận, huyện từ trung tâm ra ngoại thành. Trong đó, Đống Đa có 21 công trình, Phú Xuyên 103 công trình, Hoài Đức 200 công trình, Quốc Oai 186 công trình, Chương Mỹ 179 công trình... Các công trình chủ yếu là trường học, siêu thị, tòa nhà văn phòng, chung cư...

Lỗi vi phạm chủ yếu của các công trình này là không có hoặc chưa có lối thoát nạn thứ 2; cửa vào buồng thang bộ không phải cửa chống cháy; không đảm bảo ngăn cháy lan giữa các công trình; chưa trang bị hệ thống phương tiện PCCC; không lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy vách tường...

Điển hình, tại quận Đống Đa là siêu thị Số 19 Trúc Khê, phường Láng Hạ hoạt động từ năm 2014, đây là cơ sở thuê lại mặt bằng thay đổi công năng từ kho, xưởng thành siêu thị nhưng chưa trình hồ sơ thẩm duyệt bổ sung; Công ty cổ phần xây dựng công trình đường Thủy Vinawaco Số 159 Thái Hà hoạt động năm 2006, thay đổi công năng từ văn phòng thành siêu thị nhưng chưa trình hồ sơ thẩm duyệt bổ sung và chỉ có 1 lối thoát nạn tại các tầng;

Siêu thị điện máy Mediamart 181 Nguyễn Lương Bằng, hoạt động năm 2016, không có lối thoát nạn thứ 2, không có biện pháp ngăn chặn cháy lan giữa các khu vực trong công trình, hệ thống báo cháy tự động trang bị không đảm bảo yêu cầu theo quy định, hệ thống họng nước chữa cháy trang bị không đảm bảo yêu cầu theo quy định...

Năm 2023, lực lượng PCCC&CNCH đã kiểm tra, phát hiện 66.738 tồn tại, thiếu sót tại các cơ sở và kiến nghị khắc phục; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8.518 trường hợp với số tiền phạt là 73,312 tỷ đồng; tạm đình chỉ 1.012 trường hợp; đình chỉ hoạt động 1.793 trường hợp; kiểm tra 11.476.043 lượt hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 46,69%), phát hiện 2.295.495 thiếu sót, vi phạm, xử lý 13.699 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 18 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động 791 trường hợp, đình chỉ hoạt động 238 trường hợp...

Một số nơi còn buông lỏng quản lý

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, trong năm 2023, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tập trung điều tra cơ bản, phân loại cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC; mở các đợt thanh tra, kiểm tra ngăn chặn cháy lớn tại các cơ sở trọng điểm trong khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà cao tầng, khu dân cư… kịp thời phát hiện, hướng dẫn khắc phục những sơ hở, thiếu sót có thể dẫn đến cháy, nổ, sự cố, tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những trường hợp cố tình vi phạm.

Hà Nội có hơn 2.500 công trình chưa nghiệm thu PCCC vẫn đưa vào hoạt động ảnh 2

Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội để lại hậu quả rất nặng nề.

Tuy nhiên, theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy; xảy ra một số vụ cháy gây thiệt nghiêm trọng về người tại nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini).

Nguyên nhân là do nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn, các hộ gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mà chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý của nhà nước; một số chủ đầu tư vẫn không chấp hành những quy định về PCCC, còn nhiều công trình chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng.

"Một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý, nhất là quản lý đối với hoạt động xây dựng dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao. Nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ bị người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi chung cư mini), nhà trọ với mật độ người ở cao, nhà kết hợp sản xuất kinh doanh..." - Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đánh giá.

Cùng với đó là các loại hình “biến tướng” này chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý, do không được xem xét, cấp phép thiết kế các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng, gây nguy cơ mất an toàn rất cao.

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, nhiều công trình cố tình cho người dân vào ở khi chưa bảo đảm an toàn dẫn đến khó áp dụng các biện pháp xử lý, cưỡng chế do ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật về PCCC chưa thực sự đáp ứng được với sự thay đổi, phát triển của xã hội...

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, năm 2023, toàn quốc xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản sơ bộ ước tính khoảng 878 tỷ đồng và 236 ha rừng. Trong đó, thành thị xảy ra 2.105 vụ (chiếm 61,2%), nông thôn xảy ra 1.335 vụ (chiếm 38,8%), số vụ cháy nhà dân vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.016 vụ cháy (chiếm 29,5%); các loại hình khác đều chiếm dưới 10%.

Về nguyên nhân các vụ cháy đã làm rõ 2.294/3.440 vụ (chiếm 66,7%). Trong đó, 1.345 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 58,6%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 340 vụ (chiếm 14,8%); các nguyên nhân khác đều chiếm dưới 10%.

Riêng trên địa bàn Thành phố Hà Nội xảy ra 618 vụ cháy, 2 vụ nổ (1 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 99 vụ cháy trung bình, 502 vụ cháy nhỏ, 10 vụ cháy rừng) làm 71 người chết, 59 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính 18 tỷ đồng...

MỚI - NÓNG