Cảnh sát PCCC khuyến cáo về các điểm kinh doanh phế liệu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ vụ cháy điểm thu mua phế liệu làm 4 người thương vong ở Hà Nội, người dân cần phải làm gì để đảm bảo an toàn PCCC, tránh sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra?
Cảnh sát PCCC khuyến cáo về các điểm kinh doanh phế liệu ảnh 1

Một điểm thu mua phế liệu ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà

Vừa qua, vào tối 26/10, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại điểm thu mua phế liệu ở xã Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) làm 3 người tử vong, 1 người bị thương.

Để đảm bảo an toàn PCCC, cảnh sát PCCC khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt nhang, đèn cầy, đèn dầu, hút thuốc lá, đốt vàng mã… trong nhà; không tàng trữ, sử dụng trái phép các chất có nguy hiểm cháy nổ như: xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong các điểm thu mua phế liệu…

Khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện và thiết bị bảo vệ phải phù hợp với công suất tiêu thụ và đảm bảo an toàn PCCC. Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ cho toàn bộ hệ thống điện và riêng cho từng thiết bị, máy móc công suất lớn, …

Bên cạnh đó không tự ý câu móc điện tùy tiện để tránh hiện tượng quá tải gây cháy; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện vào cùng 1 ổ cắm; không dùng dây dẫn cắm trực tiếp vào ổ điện; không dùng dây thép, đinh để buộc, cố định dây dẫn điện; dây dẫn điện phải luồn trong ống bảo vệ chuyên dụng đúng quy định.

Tắt các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết, aptomat, cầu dao khi không sử dụng, khi hết giờ làm việc, trước khi ra về…

Sắp xếp hàng hóa gọn gàng

Đối với hàng hoá trong các điểm thu mua phế liệu phải được sắp xếp, bảo quản theo từng loại, có cùng tính chất, cùng đặc điểm, cùng phương pháp chữa cháy giống nhau; hàng hóa để trên bục kê, giá gọn gàng, vững chắc, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện, đường dây dẫn điện.

Không để hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi; không được khóa, đóng chặt các cửa thoát hiểm trong thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Không ngủ qua đêm trong các cửa hàng thu mua phế liệu. Bố trí lượng lượng thường trực thường xuyên tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý khi có cháy, nổ.

Bố trí đường giao thông, nguồn nước đảm bảo đủ phục vụ công tác chữa cháy; đường, lối, cửa thoát nạn đảm bảo theo quy định, phân tán, không bị che chắn, đủ phương tiện chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn và có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn.

Bố trí các giải pháp ngăn cháy lan: khoang ngăn cháy, tường, sàn, vách, cửa ngăn cháy, thiết bị chứa chuyên dụng (bể, bồn, …) đảm bảo đúng quy định an toàn PCCC.

Trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy của từng cơ sở, công trình. Thường xuyên kiểm tra duy trì hoạt động của các hệ thống để đảm bảo sử dụng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.

Khi Khi xảy cháy hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra ngoài, tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Thành phố Hà Nội theo số máy 114.

MỚI - NÓNG