GS.TSKH Hồ Ngọc Đại: Bạo hành trong chính 'ngôi đền thiêng' giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cách đây khá lâu, nhiều chuyên gia, học giả đã bàn luận đến câu chuyện triết lí giáo dục ở Việt Nam. Qua các thời Bộ trưởng, người im lặng, người đưa ra bàn thảo nhưng tựu chung lại chưa ai trả lời triết lí giáo dục của Việt Nam là gì. Theo GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, vì thiếu một triết lí nên giáo dục còn tồn tại nhiều vấn đề. Vụ việc cô giáo ở Tuyên Quang bị chính học sinh của mình “bắt nạt” chỉ là một ví dụ cụ thể.

Là người xây dựng mô hình trường thực nghiệm đầu tiên tại Việt Nam và đã tồn tại 45 năm qua, đến nay GS. Hồ Ngọc Đại đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn đau đáu, trăn trở với sự nghiệp trồng người. GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ với PV về những câu chuyện của ngành và các vụ việc giáo viên, học sinh bị bạo hành trong chính "ngôi đền thiêng" giáo dục.

Sự đổ vỡ của tư duy giáo dục áp đặt

Trong trường học của chúng ta luôn có khẩu hiệu: Tiên học lễ - Hậu học văn. Vậy ông nghĩ sao về chữ “Lễ” trong môi trường giáo dục hiện nay?

Ngược dòng lịch sử hàng nghìn năm về trước, chữ lễ đã được Khổng Tử đưa ra để trị quốc với 3 mối quan hệ rường cột của mỗi quốc gia thời phong kiến: Quân - Sư - Phụ. Chữ lễ trong triết lí của Khổng Tử chính là sự phục tùng. Bầy tôi cãi lại vua, học trò cãi thầy giáo, con cái cãi cha mẹ là vô lễ, là mất đi phép tắc trong xã hội.

Chữ lễ trong trường học theo sự phát triển của lịch sử đã từ sự phục tùng chuyển sang hợp tác. Bởi nếu vẫn giữ quan điểm học trò phải phục tùng giáo viên, giáo viên phải phục tùng hiệu trưởng, hiệu trưởng phải phục tùng lãnh đạo phòng, lãnh đạo sở… thì chắc chắn không sớm thì muộn sẽ xảy ra những xung đột đáng tiếc.

Giữa thầy và trò cần phải hợp tác với nhau, tôn trọng nhau. Trò tôn trọng thầy nhưng thầy cũng phải tôn trọng trò.

Tôi khẳng định vụ việc học sinh - cô giáo ở Tuyên Quang không hẳn lí do là tại học trò mà còn lỗi của người thầy. Và hiểu sâu xa hơn, đó là lỗi của một triết lý giáo dục. Đó vẫn là nền giáo dục áp đặt và vẫn tồn tại hai đẳng cấp là ra lệnh và phục tùng. Trong khi phạm trù của xã hội hiện đại là phạm trù của cá nhân và mối quan hệ giữa các cá nhân là bình đẳng.

Khi tiếp nhận những thông tin từ vụ việc cô giáo ở Tuyên Quang, cảm xúc của ông lúc đó thế nào?

Tôi đã tìm hiểu, xem và đọc khá nhiều thông tin về vụ việc cô giáo ở Tuyên Quang bị chính học trò của mình bạo hành. Nhận định của tôi, đó là sự đổ vỡ của một triết lý giáo dục, không phải là của một cá nhân hay một lớp học. Nó là ví dụ ngẫu nhiên nhưng xảy ra một cách tất yếu, không phải may rủi, là ví dụ đã chín muồi. Vì vậy, vụ việc này không xảy ra nơi này thì sẽ xảy ra ở nơi khác. Tôi chắc chắn không chỉ một vụ do vốn đã âm ỉ trong xã hội. Có chăng đây là vụ điển hình, công khai tới dư luận.

Thời xưa, quan niệm cá không ăn muối cá ươn, con không nghe mẹ trăm đường con hư. Thời nay, nếu bố mẹ không đúng, con có thể phản biện, đưa ra ý kiến. Chính vì vậy tôi cho rằng, sự việc cô giáo ở Tuyên Quang là biểu hiện của sự đổ vỡ của tư duy giáo dục áp đặt, ưa phục tùng.

Có người nói, có vẻ như “ngôi đền giáo dục” mất thiêng từ những vụ việc bạo hành giáo viên, học sinh. Nhưng tôi cho rằng, giáo dục lúc nào cũng là "ngôi đền thiêng". Chỉ có khi không cư xử đúng thì ngôi đền đó mới mất thiêng.

Thầy cô hạnh phúc mới truyền năng lượng tích cực cho học trò

Bạo lực học đường đặt ra câu chuyện đạo thầy trò, làm sao để mỗi người ở đúng vị trí của mình, thầy ra thầy - trò ra trò, thưa ông?

Câu chuyện cô giáo ở Tuyên Quang mâu thuẫn với học sinh xảy ra tôi không bất ngờ. Như tôi đã nói nó không xảy ra chỗ này, sẽ xảy ra chỗ khác vì đó là hệ quả của nền giáo dục, của xã hội hiện đại trong đó nhiều giá trị bị đảo lộn. Trong câu chuyện này, thầy cũng có cái sai và trẻ con phản ứng lại cũng sai.

Tôi cho rằng, trong đổi mới giáo dục vấn đề hợp tác rất quan trọng, đó là thầy phải hợp tác với trò, trò hợp tác với thầy; thầy cô - nhà trường hợp tác với nhau. Chỉ có hợp tác thì vấn đề mới được giải quyết thấu đáo, hiệu quả. Ngược lại, trong xã hội hiện nay nếu vẫn áp tư duy cũ, thầy ra lệnh, trò phải nghe sẽ rất khó để thực hiện. Ngay cả trong lao động sản xuất ở các nhà máy, xí nghiệp hiện nay, ông chủ cũng phải hợp tác với công nhân, công việc mới hiệu quả.

Nền giáo dục hiện đại phải phục vụ lợi ích của con trẻ. Trẻ con phải là chủ thể của nền giáo dục chứ không phải là đối tượng của nền giáo dục.

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại: Bạo hành trong chính 'ngôi đền thiêng' giáo dục ảnh 1

Thầy cô giáo là người dẫn dắt học trò khám phá tri thức mới Ảnh: Diệp An

Tôi xây dựng trường thực nghiệm đến nay đã 45 năm, trong đó quan điểm chủ đạo của trường, thầy cô là người hướng dẫn, giao việc cho trò làm, trò tự làm ra sản phẩm. Làm được như thế, học trò sẽ tự tin, hạnh phúc và có niềm vui với sản phẩm của mình. Ở góc độ quản lý, tôi không yêu cầu thành tích, điểm số. Tôi tự mình tập huấn, đào tạo giáo viên, cứ mỗi tuần đều đặn tôi tổ chức cho giáo viên hoạt động tập thể, học nhảy, tạo không khí hứng khởi, vui vẻ, hạnh phúc cho thầy cô. Khi thầy cô vui vẻ, hạnh phúc thì mới có thể truyền năng lượng tích cực cho học sinh. Trường tôi treo khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui!”.

“Chuyện cô giáo ở Tuyên Quang là sự việc đau lòng, là biểu hiện ung nhọt của một bộ phận nhưng nó có tính tích cực đó là chỉ dấu cảnh báo rất lớn để toàn ngành phải chấn chỉnh, thay đổi. Môi trường giáo dục phải thay đổi từ người thầy, người hiệu trưởng, cao hơn là cấp quản lý từ sở đến bộ. Điều cốt lõi là tôn trọng, hợp tác, lấy học sinh làm trung tâm. Học sinh đến trường vẫn sợ thầy cô đe nẹt, quá áp lực vì điểm số, thành tích thì rất khó để có thể thay đổi”. GS. Hồ Ngọc Đại

Mỗi sáng, tôi thường đứng trước cổng trường hỏi phụ huynh, các con đến trường có vui không? Đa số phụ huynh nói với tôi: con háo hức được đi học, đi học vui lắm, thế là tôi yên tâm. Hơn 40 năm, các thế hệ học sinh đã trưởng thành, thành công ở nhiều lĩnh vực. Nhiều em quay về tri ân thầy cô, chứng kiến sự trưởng thành của các em, tôi càng tin quan điểm, triết lý của mình là đúng.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, giá trị đạo đức, rèn chữ, rèn người càng cần được coi trọng. Theo GS, hiệu trưởng, người quản lý giáo dục cần phải làm gì?

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại: Bạo hành trong chính 'ngôi đền thiêng' giáo dục ảnh 2

Ảnh: Nguyễn Hà

Thời đại mới, không thể áp dụng triết lý cũ, áp đặt một chiều. Chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra mục tiêu giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh nhưng khó có thể đạt được điều đó khi nền tảng vẫn là những con người cũ, phương pháp cũ, quan điểm cũ.

Khi thầy cô vui vẻ, hạnh phúc thì mới có thể truyền năng lượng tích cực cho học sinh. Trường tôi treo khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui!”. GS. Hồ Ngọc Đại

Tôi lấy ví dụ, nếu trước đây, thầy nói trò nghe là ngoan thì nay trẻ con có thể tranh luận, phản biện. Tuy nhiên, ranh giới giữa tranh luận, phản biện và cãi, vô lễ rất mong manh. Nhiều thầy cô vẫn ngại va chạm, ngại học sinh phản biện, vẫn thích trò ngồi ngoan một chỗ!

Giáo dục trước hết phải tạo môi trường chân thật, không chấp nhận có sự giả dối. Vì vậy, nhà trường không đặt nặng thành tích học tập, thi cử. Những người quản lý từ cơ sở giáo dục phải tự soi, tự nhìn lại mình đã lấy học sinh làm trung tâm hay chưa? Hay vẫn vì thành tích, điểm số đẹp. Bao giờ học sinh trở thành lý tưởng giáo dục, là tương lai; bao giờ đặt lợi ích của các em lên hàng đầu thì giáo dục mới đạt hiệu quả, thực chất.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG