GS Phạm Tất Dong: Bộ GD&ĐT cần rà soát lại toàn bộ mạng lưới trường ĐH

GS Phạm Tất Dong: Bộ GD&ĐT cần rà soát lại toàn bộ mạng lưới trường ĐH
TP - Cần phải có một chiến lược đổi mới giáo dục đại học (ĐH) tổng thể. Không chỉ loay hoay đổi mới mãi giáo dục phổ thông mà ít chú ý đến ĐH. Lẽ ra phải đổi mới ĐH trước để định hướng cho phổ thông. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia khi bàn câu chuyện đổi mới giáo dục hiện nay.
GS Phạm Tất Dong: Bộ GD&ĐT cần rà soát lại toàn bộ mạng lưới trường ĐH ảnh 1

Giáo dục ĐH không nên chạy theo số lượng, đào tạo nhiều mà thất nghiệp thì lãng phí thời gian và tiền của xã hội. Ảnh: Như Ý.

Theo GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, trước khi bàn đến câu chuyện đổi mới giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cần phải rà soát lại toàn bộ mạng lưới các trường ĐH. GS Phạm Tất Dong khẳng định, nhiều trường ĐH tư hiện nay chủ yếu đáp ứng nhu cầu cần bằng ĐH của thanh niên, không phải đáp ứng đòi hỏi sức cạnh tranh của thị trường lao động. Chính vì vậy, chất lượng đào tạo của những trường này đang rất kém. “Tôi lấy bằng chứng là cháu tôi vừa học xong lớp 12 đã có tới 7, 8 trường ĐH gửi thư mời nhập học. Chứng tỏ họ chẳng cần quan tâm đến năng lực học cháu tôi ra sao. Họ chỉ cần có người học chứ không phải họ giúp cho đất nước có nhiều chuyên gia. Trong khi mục tiêu của đào tạo ĐH là đào tạo ra các chuyên gia” - GS Phạm Tất Dong chia sẻ.

GS Phạm Tất Dong cho rằng, trường ĐH ngoài công lập có chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại nhiều trường rất “úi xùi”. “Có trường kiếm được ông PGS còn khó đừng nói GS. Trường ĐH phải tham gia vào nghiên cứu nhưng đội ngũ cán bộ giảng dạy như hiện nay sao thực hiện được. Do đó, không đảm nhiệm đúng chức năng của một trường ĐH thì không nên để. Trước khi đổi mới phải rà soát lại mạng lưới. Mạnh dạn cắt bỏ những trường không xứng đáng là trường ĐH, hoặc phải hạ cấp, không nên để như hiện nay” - GS Phạm Tất Dong kiến nghị. Theo ông, những trường ĐH mở ra có tính chất kiếm sống thì phải dẹp. Có trình độ ĐH là tốt, nhưng phải là năng lực thực sự, còn chỉ thể hiện ở bằng cấp thì không để làm gì.

ĐH phải là nơi định hướng cho phổ thông

Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, từ lâu giáo dục ĐH được coi là tự chủ nên đổi mới là việc làm hàng ngày của các trường. Nhưng nếu nói đến chủ trương chung của nhà nước thì chưa ai nói đến đổi mới giáo dục ĐH,  trước đến nay chỉ bàn về đổi mới giáo dục phổ thông. “Theo quan điểm của tôi, quan hệ giữa phổ thông với ĐH phải là: trường phổ thông chuẩn bị đầu vào cho các trường ĐH. ĐH định hướng cho đào tạo của phổ thông chứ không phải phổ thông áp đặt ĐH như hiện nay”- GS Phạm Tất Dong nói. Các trường ĐH có nhiệm vụ tiếp cận với thế giới, phổ thông căn cứ vào định hướng của các trường ĐH để chuẩn bị cho học sinh. Các trường ĐH trên thế giới đang làm theo hướng này. “Không thể có chuyện ĐH chỉ căn cứ vào điểm của phổ thông để tuyển. Do đó,  phổ thông muốn đổi mới chương trình thì phải dựa vào những yêu cầu đổi mới của ĐH đến đâu, trình độ nào, tiếp cận khoa học của thế giới ra sao. Theo tôi, nhà nước nên có một chỉ đạo chặt chẽ ĐH đổi mới như thế nào trong quá trình tự chủ hiện nay. Phải có quy định rõ ràng để trường phổ thông định hướng theo. Còn chương trình giáo dục phổ thông mới đang thực hiện, không đoái hoài gì đến ĐH, không hướng theo mục tiêu nào của ĐH, cách ly với chương trình đào tạo của ĐH. Đây là cái bí nhất đối với đào tạo tiếp” - GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Chính sách học phí đang hỗ trợ người giàu ?

Là người quan tâm đến giáo dục ĐH, ông Phạm Hùng Hiệp, trường ĐH Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan, cho rằng cái cần đổi mới của giáo dục ĐH Việt Nam chính là đổi mới cơ chế tài chính. Chính sách học phí hiện nay với trường ĐH công đang hỗ trợ cho người giàu. “Theo tính toán, mỗi năm có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THPT vào ĐH. Trong số này có khoảng 85% đỗ vào các trường ĐH công lập. Số lượng sinh viên con nhà khá, giàu chiếm tỷ lệ lớn trong số 85% sinh viên đỗ vào trường ĐH công lập. Như vậy, chúng ta đang lấy thuế của người dân (trong đó có rất nhiều người nghèo) bao cấp cho người giàu” - ông Hiệp phân tích. Không những thế, theo ông Hiệp, điều quan trọng hơn, chính sách đầu tư theo đầu sinh viên hiện nay còn có một bất công nữa đó là sinh viên đạt 30 điểm được đầu tư bằng với sinh viên đạt 18 điểm nếu như đỗ vào trường ĐH công lập.

Chính vì vậy, việc thay đổi cơ chế tài chính theo ông Phạm Hùng Hiệp, ngoài việc tạo công bằng cho người học còn tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường. Ông Hiệp đề xuất phương án “hai cao”: học phí cao và cho vay cao. “Học phí cao là trần học phí dãn ra cao hơn hiện nay. Có trường sẽ thu cao, có trường sẽ thu thấp. Người học có quyền lựa chọn. Chính sách vay vốn cho sinh viên đi học cũng phải cao hơn hiện nay. Chính sách này có thể nghe hơi khó lọt tai nhưng nếu không thay đổi, giáo dục ĐH Việt Nam sẽ vẫn như hiện nay” - ông Hiệp nhận định.

Mặt khác, theo ông Hiệp, cách đầu tư của nhà nước cho giáo dục ĐH hiện nay cũng có  vấn đề, đầu tư theo “quota tuyển sinh” nên không tạo được động lực cho các trường. Chính sách đầu tư này cần thay đổi.

Còn GS Phạm Tất Dong thì khẳng định ĐH phải có cuộc đổi mới căn bản, bởi Việt Nam chưa có trường ĐH nào tiếp cận được với hệ thống ĐH của thế giới. “Phổ thông hiện nay, nếu nói tin tưởng gì về sự mới mẻ trong thời gian tới thì chưa có. Vì tầm suy nghĩ trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hiện nay chỉ có thế. Tôi đang hy vọng ĐH bật lên được. Với giáo dục ĐH, quan điểm của tôi là không nên đào tạo nhiều. Vì đào tạo nhiều mà không đáp ứng được yêu cầu xã hội, lại thất nghiệp thì lãng phí thời gian và tiền của xã hội. Đào tạo ít nhưng tinh. Trên cơ sở được tinh luyện như thế sẽ mang lại sức cạnh tranh cho đất nước. Đừng chạy đua số theo số lượng sinh viên/vạn dân mà chạy đua làm sao để thế giới công nhận đào tạo ĐH của việt Nam” - GS Phạm Tất Dong đề xuất.

“Đừng chạy đua số theo số lượng sinh viên/vạn dân mà chạy đua làm sao để thế giới công nhận đào tạo ĐH của Việt Nam” .

             GS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

MỚI - NÓNG
Nắng nóng gay gắt còn tiếp diễn ở miền Bắc, miền Trung trong các tháng tớiẢnh: Như Ý
Nắng nóng gay gắt sắp tái diễn
TP - Từ nay đến hết tháng 5, miền Bắc và miền Trung có thể đón 2 đợt nắng nóng gay gắt, nhiều nơi có khả năng xuất hiện nắng nóng đặc biệt gay gắt với mức độ khốc liệt tương đương đợt nắng nóng cuối tháng 4.
Tác phẩm dự thi Vẽ bìa Quyển sách tôi yêu của em Phan Phương Linh, lớp 11K, THPT chuyên Long An
Một thoáng tranh luận về 'dâm thư' của Ocean Vương
TP - Gần đây các vị phụ huynh đã chịu khó đọc cùng con hơn. Thể hiện qua vụ bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh được đưa vào sách giáo khoa bị chê hồi tháng 10/2023. Và mới đây là "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" bị một phụ huynh có con học trường quốc tế ở TPHCM cho là “dâm thư”.
Học sinh bậc THPT thường gặp nhiều khó khăn, áp lựcẢnh: PV
Học sinh bối rối chọn ngành nghề
TP - Học sinh THPT ở độ tuổi nhạy cảm, dễ tổn thương và gặp khó khăn khi định hướng nghề nghiệp cũng như chịu nhiều áp lực từ học tập, thi cử. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được phát hiện và hỗ trợ tư vấn, điều trị kịp thời.