Gói hỗ trợ 'đảm bảo công bằng, nhưng không cào bằng'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiều 7/1, các “tư lệnh ngành” Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, KH&ÐT lần lượt giải trình về những vấn đề được đại biểu nêu khi thảo luận dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Mức giảm thuế gấp 3 lần so với năm 2021

Giải trình, làm rõ chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, phần tác động đến bội chi ngân sách 240.000 tỷ đồng, trong đó thuế là 64.000 tỷ đồng. Theo ông Phớc, mức giảm thuế này gấp 3 lần so với năm 2021, chi ngân sách cũng lớn nhất từ trước đến nay.

Gói hỗ trợ 'đảm bảo công bằng, nhưng không cào bằng' ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo giải trình tại phiên họp

Về kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì giảm thuế VAT, ông Phớc cho rằng, đây là vấn đề mới, cần tiếp tục được nghiên cứu. Tuy vậy, theo ông, giảm 2% thuế VAT có tác dụng rộng hơn, lan tỏa tốt hơn, giúp kích thích tiêu dùng cho nền kinh tế. Còn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp thua lỗ, khó khăn không được hưởng để có thêm nguồn lực. Thêm vào đó, nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì báo cáo tài chính cũng không minh bạch giữa chi phí và thuế, không đúng với pháp luật thuế hiện nay.

Về gói tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lý giải, đây là gói bổ sung ngoài kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu. Theo bà Hồng, khi đưa tiền ra qua chính sách tài khóa, Chính phủ đã cân nhắc để đảm bảo sự linh hoạt của chính sách tiền tệ, mục tiêu đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. “Do tính chất ngắn hạn của chính sách tiền tệ nên cần sự linh hoạt theo sát thị trường, có lúc phải đưa tiền ra và có lúc rút tiền về, nên tại thời điểm xây dựng chương trình này khó có thể lượng hóa được lượng tiền ra từ chính sách tiền tệ”, bà nói.

Gói hỗ trợ 'đảm bảo công bằng, nhưng không cào bằng' ảnh 2
Bộ trưởng Thống đốc NHNN báo cáo giải trình tại phiên họp

Về việc giảm lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành của ngành ngân hàng. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung giảm nhanh lãi suất, cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng điều tiết tiền tệ để giảm lãi suất cho vay.

Chính phủ đã cân nhắc và đưa ra giải pháp phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 0,5- 1% trong 2 năm. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bà Hồng khẳng định sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan để cho vay đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục hạn chế trước đây.

“Công bằng, nhưng không cào bằng”

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sẽ nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa phục vụ tăng trưởng và phát triển lâu dài, thúc đẩy cả cung và cầu của nền kinh tế. Qua đó, các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào những ngành cần thiết, trước mắt là nâng cao năng lực phòng chống dịch ngành y tế; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối cửa khẩu, các khu công nghiệp, khu kinh tế... Ngoài ra, phân bổ nguồn vốn sẽ hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển, đảm bảo công bằng, nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư lĩnh vực, ngành có tính lan tỏa.

Gói hỗ trợ 'đảm bảo công bằng, nhưng không cào bằng' ảnh 3

Bộ trưởng Bộ KH&ÐT báo cáo giải trình tại phiên họp

“Quy mô khá lớn, bên cạnh đánh giá tác động của chính sách, Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp kiểm soát rủi ro có thể xảy ra, nhất là áp lực lạm phát gia tăng trong 2022-2023. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới để có phản ứng phù hợp để kiểm soát lạm phát”, ông Dũng nhấn mạnh. Ông khẳng định, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra để nâng cao tính công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng, xin - cho, lợi ích nhóm.

Trước đó, góp ý về gói hỗ trợ, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, nói, hiện dư địa chính sách không còn nhiều, nhất là chính sách tiền tệ. Với bối cảnh hiện nay, hướng tới mục tiêu phục hồi hay phát triển thì ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống vẫn là yếu tố nền tảng, bởi mất ổn định là mất tất cả. “Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, các ngân hàng đang cho vay dưới chuẩn khi cơ cấu lại nợ mà không tăng nhóm nợ. Nhưng điều này khiến rủi ro tín dụng, rủi ro nợ xấu gia tăng”, ông Lộc phân tích.

Trên thế giới, ngân hàng trung ương các quốc gia cũng đang siết chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, đây là xu hướng chung cả thế giới. Chưa kể, bài học nhãn tiền khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008- 2009 còn nóng hổi. Do vậy, theo ông Lộc, quan trọng là dòng tiền này phải chảy vào các doanh nghiệp, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh nhưng đang khó khăn tạm thời và khả năng phục hồi nhanh.

MỚI - NÓNG