Trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội, sáng 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong giai đoạn hiện nay cần đưa ra gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó phải chấp nhận bội chi tăng lên.
Theo ông Phớc, Bộ Tài chính đang tính toán gói kích cầu, kích thích kinh tế. Cụ thể là gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm, có thể từ 10.000 - 20.000 tỉ đồng. Hai là phát hành công trái, trái phiếu ngoại tệ trong nước.
Để tăng thu cho ngân sách, Bộ sẽ tập trung vào thu thuế ở các nền tảng số mà lâu nay còn dư địa như bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới. Gắn với đó là đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế. Thực hiện thắt chặt chi tiêu, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị.
Cùng nội dung này, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, các gói chính sách, kích thích kinh tế mà Chính phủ xây dựng phải đủ lớn để phục hồi nền kinh tế. Các gói kích thích kinh tế phải vừa liên quan chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, biện pháp triển khai thực hiện gắn với tình hình hiện nay.
“Gói chính sách cần phục vụ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để ứng phó với tình hình dịch bệnh, như việc trợ cấp, sản xuất, tiêu dùng, hỗ trợ công nhân”, ông Cường nói.
Từ thực tiễn thực hiện các gói chính sách vừa qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách lưu ý các thủ tục hỗ trợ phải thuận lợi và có các điều kiện tổ chức triển khai cho phù hợp.
Bên cạnh sự yểm trợ về tài khoá, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đề xuất, trong giai đoạn phục hồi kinh tế 2 năm tới thì nên có ban hành cơ chế đặc thù về các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đơn giản nhất, giảm thanh tra kiểm tra, tạo môi trường thuận lợi cho hồi phục sản xuất kinh doanh.