Tránh nóng vội, chủ quan
Theo Chủ tịch Quốc hội, thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, chúng ta vẫn có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bài bản, với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, phải rút kinh nghiệm từ quá trình vừa qua để làm tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt, phải hết sức tránh việc nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, một Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách, tính toán nguồn lực cụ thể... Trung ương thống nhất điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo nguyên tắc: quy mô thì phù hợp, lộ trình hợp lý và trên nền tảng phải bảo đảm được ổn định kinh tế, vĩ mô.
“Tốc độ tiêm vắc xin hiện nay của nước ta đã nhanh hơn, có vắc xin là tiêm được ngay, do đó, có thể sẽ bao phủ vắc xin nhanh hơn kỳ vọng và như vậy có thể đẩy nhanh hơn tiến độ phục hồi kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu.
Liên quan đến gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch COVID - 19, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tổng gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta hiện nay khoảng 4% GDP, chưa kể phần chi cho y tế, giảm tiền điện, nước, viễn thông… Cần tính tổng thể gói chính sách đang được thực hiện để xác định dư địa còn lại cho điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ như thế nào? Phải làm sao khơi thông, huy động được nguồn lực, có nguồn lực rồi thì xác định được sẽ phân bổ vào đâu.
Qua các cuộc làm việc với các nhà khoa học, các cơ quan của Chính phủ về gói chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết một số nguyên tắc, quan điểm đã cơ bản thống nhất như: chú trọng tăng cường đồng thời cả tổng cầu và tổng cung bởi cả hai vấn đề này đều đang yếu, để phục hồi được ngay là rất khó; phải sử dụng tổng thể cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phục hồi cả về kinh tế và xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý với quan điểm của các ĐBQH về việc phải nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo tình hình. Dự báo đúng thì mới có biện pháp đúng, không bị lúng túng, bất ngờ. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, các biện pháp điều hành đều phải trên cơ sở dữ liệu khoa học, dữ liệu dịch tễ học…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng |
Trường học mở cửa, gần triệu sinh viên sẽ quay trở lại Thủ đô
Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Thủ đô luôn được đặt trong tình trạng phòng ngừa dịch bệnh cao, với tinh thần quyết tâm bảo vệ Thủ đô, không để dịch bệnh lây lan rộng.
Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu, Hà Nội đã chuẩn bị các phương án, khu cách ly lúc đầu 20.000 chỗ, hiện nay là 118.000 chỗ. Với khu điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, từ chỗ không có giường nào, bây giờ đã có 20.000 giường, kích hoạt lên 30.000.
“Phương châm Hà Nội những ngày đầu là không để F0 và F1 tại nhà”, ông Dũng nhấn mạnh.
Liên quan đến quy định phân 3 vùng và cấp giấy đi đường, Bí thư Hà Nội cho đây là vấn đề được bàn kỹ trong Ban Thường vụ Thành ủy, với quyết tâm cao. Nhưng trong quá trình thực hiện, anh em không làm được, nên phải bỏ phân vùng và bỏ giấy đi đường. Việc này là bình thường vì xây dựng phương án cao hơn cũng vì sức khỏe người dân.
“Dư luận có ý kiến nói "vi Hiến", không có "vi" gì lúc này cả. Quốc hội cho phép làm các phương án cao hơn, khác cả luật thì sao không làm vì sức khỏe của người dân, vì trật tự an toàn của Thủ đô?”, ông Dũng bày tỏ.
Theo Bí thư Thành uỷ, Hà Nội đã kiểm soát được dịch với phương châm khoanh vùng hẹp, truy vết nhanh, xét nghiệm rộng. Bên cạnh đó, Hà Nội đã tiêm cho 98% người từ 18 tuổi trở lên, còn 2% (khoảng 120.000) người cao tuổi có bệnh nền nặng không tiêm được.
Về Nghị quyết 128 của Chính phủ, ông Dũng nhấn mạnh, phải "đọc cả hai vế". Theo ông, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội họp cả ngày để bàn, một bên là phòng chống được dịch bệnh, còn nỗi lo bên kia là thúc đẩy kinh tế.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng lo lắng khi sắp tới trường học mở cửa, gần triệu sinh viên sẽ quay trở lại Thủ đô, các địa phương chưa tiêm vắc xin cho đối tượng này thì “rất gay go”. Bên cạnh đó, hơn 2 triệu học sinh cũng chưa được tiêm. Rồi lượng lao động cũng quay trở lại bắt đầu tương đối đông.
Lưu ý trong bối cảnh các điều kiện rất khó khăn, không khéo bùng phát dịch, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, biện pháp lúc này vẫn là từ cơ sở, tiếp tục phát động hệ thống chính trị và người dân tham gia các “Tổ COVID cộng đồng”.