Chứng khoán ra sao sau đề xuất gói hỗ trợ kinh tế 843 nghìn tỷ đồng?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau tuần chứng khoán trong nước giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 7/2021, hôm nay dù là ngày cuối tuần thị trường nghỉ giao dịch, nhưng thông tin liên quan đề xuất chi tiết gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Khắp các diễn đàn chứng khoán, hội nhóm đầu tư bàn luận về chủ đề này. 

VN-Index đóng cửa tuần cuối tháng 11 ở ngưỡng 1.443,32 điểm với 4 phiên giảm điểm, mất đi 49,71 điểm (3,33%). Đây là tuần giảm điểm mạnh nhất của VN-Index kể từ trung tuần tháng 7/2021.

Theo số liệu từ FiinGroup, trong tuần thị trường biến động mạnh, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước là nhóm mua ròng, trong khi tự doanh và khối ngoại bán ròng. Khối ngoại bán ròng 3.180 tỷ đồng trên HoSE, rải rác ở nhóm thực phẩm và đồ uống (MSN), thép (HPG), bất động sản (DXG, NLG, KBC).

Đối ứng với nhà đầu tư nước ngoài, cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 3.364 tỷ đồng trên HOSE, tập trung vào nhóm bất động sản, thép. Các mã được mua ròng mạnh là HPG, MSN, DXG, HCM, SSI. Ngược lại, cá nhân bán ròng khớp lệnh mạnh nhất ROS, MWG, CTG, VND, SSB.

Tỉ trọng phân bổ dòng tiền chuyển hướng tăng vào nhóm bất động sản, chứng khoán, xây dựng & vật liệu, giảm vào ngân hàng, thép. Nhóm VN30 vẫn duy trì tỉ trọng giá trị giao dịch cao nhất trong tuần.

Cho dù đa số các ngành đều giảm điểm nhưng nhóm xây dựng và vật liệu vẫn duy trì được đà tăng. Những cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất thuộc lĩnh vực xây dựng: VHH, DCF, LG9, VMC, VC6. Tất cả đều tăng trên 39%, trong đó LG9 là một trong những cổ tăng điểm mạnh từ đầu năm, tăng 586%.

Nhóm cổ phiếu dược phẩm tăng giá mạnh, đi ngược thị trường trong phiên cuối tuần điều chỉnh. Các cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất trong ngày là DBD, AMV, DHG, IMP, DCL.

Tính từ đầu năm, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành dược DHG tăng 16,8%, DVN tăng 54%, PME tăng 7,4%, IMP tăng 36%, TRA tăng 35% và DBD tăng 32,2%. Cổ phiếu tăng mạnh nhất từ đầu năm là BIO (564%).

Thị trường "hóng" gói phục hồi kinh tế

Tuần qua, thanh khoản thị trường sụt giảm nhẹ so với tuần trước, cho thấy phản ứng khá dè dặt của dòng tiền cũng như tâm lý hoài nghi của nhà đầu tư trong bối cảnh có nhiều quan điểm đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán là không mấy tích cực trong bối cảnh xuất hiện biến chủng mới Omicron của virus SARS-COV-2.

Nhóm phân tích của CTCK VCBS nhận định, vùng 1,430-1,440 điểm vẫn đang đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ cho xu hướng tích lũy của chỉ số. Tuy nhiên dòng tiền yếu trên thị trường và những lo ngại xung quanh biến chủng Omicron khiến cho triển vọng tăng điểm của chỉ số trong những tuần cuối năm trở nên “mong manh” hơn.

Thanh khoản từng phiên và cả tuần đều sụt giảm so với tuần trước cho thấy dòng tiền đã rút ra một phần và có xu hướng chờ đợi các vùng giá chiết khấu hơn rồi mới quay trở lại.

Tuy nhiên, theo phân tích từ nhóm nghiên cứu của CTCK Agriseco, thị trường 12 vẫn duy trì triển vọng tích cực, đến từ các chương trình hỗ trợ kinh tế sau đại dịch của Chính phủ với quy mô dự kiến cao chưa từng có.

Mới nhất, tại Diễn đàn Kinh tế 2021 diễn ra hôm nay tại Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu đã đề xuất gói hỗ trợ lên tới 843.845 tỷ đồng, chiếm 10,38% GDP (giá trị công bố). Trong số này, chính sách tài khóa chiếm lớn nhất trong cơ cấu với 8,34%, tương đương 678.395 tỷ đồng; chính sách tiền tệ 65.000 tỷ đồng (chiếm 0,8%), chính sách an sinh xã hội là 12.800 tỷ đồng và chính sách khác là 37.650 tỷ đồng… Về giá trị thực tế sẽ chi, ông Lực cho biết con số thực tế sẽ là 445.760 tỷ đồng (chiếm 5,48% GDP).

MỚI - NÓNG