Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đột phá

Các diễn giả chia sẻ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại hội thảo cuối tuần qua ở Hà Nội
Các diễn giả chia sẻ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại hội thảo cuối tuần qua ở Hà Nội
Trong bối cảnh thị trường đầy cạnh tranh, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ loay hoay với bài toán nguồn vốn, thương hiệu, đột phá kinh doanh...Làm cách nào để đạt được điều đó?

Có thương hiệu, doanh nghiệp làm ăn tốt hơn

Cuối tuần qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Kết nối để lớn mạnh” diễn ra cuối tuần qua do Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) phối hợp với CLB truyền thông và Tiếp thị Việt Nam (VMCC) tổ chức.

Theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand, tính đến cuối năm 2016, Việt Nam có hơn 600.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và có đà phát triển lên tới trên 100.000 SMEs mới đăng ký mỗi năm (tăng trưởng đạt 3,9%). Các doanh nghiệp này đóng góp hơn 40% GDP và chiếm hơn 50% số lượng việc làm. Hai tháng đầu năm 2017, có thêm 14.500 doanh nghiệp mới được thành lập.

Tuy nhiên, các SMEs rất đơn độc trên thị trường do nhiều nguyên nhân chính như: Đối thủ cạnh tranh lớn, dày đặc; Thiếu nguồn vốn và cách tiếp cận nguồn vốn; Thiếu quan hệ cũng như đối tác; Không những thế, các doanh nghiệp này cũng rất khó khăn trong khâu hoàn thiện sản phẩm và cải tiến quy trình cung ứng sản phẩm; Thiếu nguồn lực con người do lương thấp, không thu hút được nhân tài; Thiếu quy trình quản lý kinh doanh...

Ông Mạnh cho hay, đứng trước những biến động đó, SEMs tại Việt Nam lại luẩn quẩn trong vòng tròn bẫy thất bại về thực trạng không quảng bá hoặc quảng bá không hiệu quả; Thiếu vắng một định hướng chiến lược dài hạn và những công cụ cần thiết để xây dựng thương hiệu...

Ông Hoàng Đạo Hiệp, Giám đốc điều hành SAATCHI & SAATCHI Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và truyền thông. Theo ông Hiệp, khi doanh nghiệp tạo dựng được một thương hiệu mạnh thì khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền để mua sản phẩm của thương hiệu đó. Thương hiệu mạnh còn mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài.

Bởi thế, theo ông Hiệp, doanh nghiệp có thương hiệu sẽ làm ăn tốt hơn. Và, sẽ là rủi ro nếu toàn bộ doanh thu của một công ty phụ thuộc vào một thương hiệu, cần xây dựng một tập hợp thương hiệu. Đơn cử, Coca-Cola ngoài nước Coca-Cola còn có Coke, Fanta, Sprite,...đa dạng cho nhiều lứa tuổi, người hoạt động thể thao...

Kết nối để lớn mạnh

Là một trong những doanh nghiệp top đầu trong ngành hàng bán lẻ dành cho mẹ và bé, bà Trịnh Thị Lan Phương – Chủ tịch HĐQT BiboMart cũng chia sẻ nhiều khó khăn thời kỳ đầu mới khởi nghiệp. Có lúc, bà vừa mới sinh con nhỏ, vừa phải cầm cố thế chấp sổ đỏ để mở thêm đại lý BiboMart. Tuy nhiên, nhờ quản trị tốt, kiên trì xây dựng thương hiệu, theo đuổi giấc mơ, kết nối được với các chuyên gia nước ngoài, đến nay công ty đã phát triển chuỗi 120 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố. Năm 2017, Bibo Mart đặt mục  tiêu doanh số hơn 100 triệu USD, đến cuối năm 2019 đạt 300 triệu USD.

Ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng Giám đốc Maritime Bank cho biết: “Hiểu rõ những khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, Maritime Bank đã đưa ra một giải pháp tài chính – Cộng đồng JOY Maritime Bank và Partnership Marketing dành riêng cho các doanh nghiệp VIệt Nam, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm thêm đối tác, khách hàng và cùng nhau phát triển bền vững”.

“Cộng đồng JOY - Maritime Bank là minh chứng sống động nhất của chúng tôi trong việc thực hiện cam kết luôn đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp và mang đến lợi ích tốt nhất cho tất cả các khách hàng của ngân hàng. Đây là nơi Maritime Bank chia sẻ những thế mạnh của mình với khách hàng, về kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp, tiềm lực tài chính cũng như mạng lưới khách hàng, đối tác rộng khắp, để cùng các thành viên trong Cộng đồng đạt đến những lợi ích tốt nhất và thành công nhất” – ông Quang chia sẻ. 

MỚI - NÓNG