Giật mình

Giật mình
TP - Vụ việc Cao Quốc Huy, 28 tuổi, ở quận Tân Bình dùng dao xông vào trường mầm non khống chế hai bé trai 3 tuổi mà động cơ gây án không rõ ràng đã gây rúng động công chúng cả nước.

> Khởi tố hung thủ bắt cóc trẻ tại trường mầm non

Và người ta còn giật mình thêm lần nữa bởi theo gia đình, Huy có tiền sử bệnh tâm thần, từng đi chữa trị bệnh tâm thần ở Biên Hòa, Đồng Nai.

Giật mình là bởi, còn bao nhiêu người có tiền sử bệnh hoặc đang mắc tâm thần ở một dạng nào đó những vẫn sống tại cộng đồng trong khi các biện pháp quản lý, ngăn chặn hành vi tội ác của họ dường như rất lỏng lẻo.

Theo một chuyên gia về sức khỏe tâm thần, bệnh nhân tâm thần gây án thường bắt nguồn từ các triệu chứng bệnh lý về tâm thần, trong đó điển hình là tâm thần phân liệt. Số người này chiếm 0,5% -1% dân số thế giới.

Bệnh nhân tâm thần phân liệt thường có các biểu hiện rối loạn tư duy, hành vi. Do hoang tưởng ảo giác chi phối, xui khiến, có bệnh nhân cảm tưởng lúc nào mình cũng đang bị truy bức nên bức xúc thực hiện hành vi phạm pháp.

Ở nước ta, ước tính có khoảng 10 triệu người đang mắc hoặc có dấu hiệu liên quan bệnh tâm thần. Một con số không nhỏ. Tuy nhiên, chỉ một phần trong số đó đang được điều trị nội trú trong các bệnh viện hoặc các cơ sở điều dưỡng, số còn lại đang sống trong cộng đồng.

Ngay tại TPHCM, có khoảng 10 nghìn người đang mắc tâm thần và 2/3 số này vẫn đang sống ở cộng đồng như những người bình thường.

Cách đây vài năm, khi báo chí lên tiếng về một số vụ án mạng rùng rợn, giết người dã man, giết cả người thân…, nhu cầu và đòi về công tác quản lý bệnh nhân tâm thần đã được đặt ra. Nhưng cho đến nay, công tác này vẫn mỗi nơi mỗi kiểu.

Ở TPHCM, địa phương có quy mô dân số lớn nhất cả nước, chính quyền đô thị cũng được xem là luôn đi đầu trong công tác quản lý và phát triển, mô hình quản lý chăm sóc, điều trị người tâm thần ở cộng đồng ở quận huyện, phường xã vẫn đang ở giai đoạn “trình thành phố xem xét”.

Trên quy mô cả nước, theo một số chuyên gia, chúng ta chưa thực sự có cơ quan chuyên về quản lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần, những quy định về quản lý người tâm thần vẫn còn khá lỏng lẻo.

Ai cũng hiểu, người tâm thần gây án thì không thể xử lý hình sự vì họ không nhận thức được hành vi của mình.

Ai cũng hiểu chăm sóc người mắc chứng tâm thần đòi hỏi cộng đồng phải gần gũi, tránh những hành vi kỳ thị, xa lánh.

Nhưng nếu những biện pháp quản lý lỏng lẻo, người tâm thần vẫn gây án thì ai sẽ chịu trách nhiệm trước những mất mát tài sản và thậm chí là sức khỏe, tính mạng của người dân?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG