Giáo viên VN đầu tiên được thử nghiệm trong không gian vũ trụ

Giáo viên VN đầu tiên được thử nghiệm trong không gian vũ trụ
“Được trải nghiệm khoa học và vũ trụ thực tế là một điều vô cùng tuyệt vời đối với tôi. Tôi được huấn luyện các kỹ năng và phương pháp giúp khơi dậy niềm đam mê khoa học và khám phá của học sinh”.

> Hé lộ bức thư của bé 7 tuổi khiến NASA 'choáng váng'

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Giang tại chương trình đào tạo của đặc biệt của Honeywell tại Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Hoa Kỳ.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Giang tại chương trình đào tạo của đặc biệt của Honeywell tại Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Hoa Kỳ..

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Phương Giang, giáo viên Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên, người giáo viên đầu tiên của Việt Nam được tham gia vào chương trình đào tạo của đặc biệt của Honeywell tại Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Hoa Kỳ. Cô Giang là một trong 210 giáo viên trên thế giới được Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Hoa Kỳ tuyển chọn.

Được biết, những người tham gia chương trình được đào tạo như những phi hành gia, được huấn luyện các kỹ năng và phương pháp giúp khơi dậy niềm đam mê khoa học và khám phá của học sinh. Các giáo viên tham gia 45 giờ học phát triển chuyên môn trong phòng thí nghiệm và huấn luyện thực địa tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về khoa học và toán học, bao gồm: Mô phỏng máy bay phản lực hiệu suất cao; Nhiệm vụ vũ trụ giả định; Đào tạo sinh tồn trên mặt đất và trong môi trường nước và Chương trình động lực học tương tác.

Chương trình đào tạo này được xây dựng dựa trên cơ sở hợp tác giữa Nhóm Giải pháp cộng đồng của Honeywell (HHS) và Trung tâm Vũ trụ & Tên lửa Hoa Kỳ (USSRC), HE@SA là chương trình học bổng 5 ngày dành cho các giáo viên bậc Trung học cơ sở, nơi họ sẽ tham gia vào chương trình đào tạo và phát triển mô phỏng phi hành gia. Khóa đào tạo cung cấp những kỹ năng giảng dạy tiên tiến về các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học (STEM) theo nhiều phương thức thú vị.

“Truyền cảm hứng cho học sinh cần bắt đầu từ việc truyền cảm hứng cho các giáo viên,” ông Tom Buckmaster, Chủ tịch Nhóm Giải pháp cộng đồng của Honeywell chia sẻ. “Chương trình HE@SA sẽ mang đến cho các giáo viên một trải nghiệm học tập và chia sẻ đáng nhớ, giúp họ nâng cao khả năng sư phạm để có thể giảng dạy hiệu quả hơn.”

Sau khi tham gia chương trình, cô Giang cho biết: “Tôi cảm nhận đây là một chương trình rất tuyệt vời dành cho giáo viên Toán và các môn Khoa học. Chúng tôi được các chuyên gia chia sẻ các câu chuyện và lý thuyết về lịch sử của các chương trình vũ trụ.

Về lý thuyết như là các nguyên tắc hoạt động của tên lửa, cấu trúc tên lửa, và được thực hành nhiều bài học như tạo tên lửa mô phỏng và sau đó đưa nó phóng trực tiếp và quan sát tên lửa đó rơi xuống thế nào. Đặc biệt, chương trình còn có giả định là nếu chúng ta đang ở trên mặt trăng nhưng thiếu nguồn nước hoặc nguồn nước bị ô nhiễm, vậy phải tìm cách để có nguồn nước uống. Các giảng viên đã đưa ra một số vật liệu, nhiên liệu để làm thế nào biến nước bị ô nhiễm thành nước sạch…

Hay như một tình huống nữa mà chương trình đưa ra là nhà du hành vũ trụ đang ở 1 nơi có nhiệt độ rất lớn vậy làm thế nào để bảo vệ được nhà du hành vũ trụ đó. Mỗi nhóm sẽ chọn ra một vài chất liệu rất đơn giản cộng với việc tính toán chi phí thấp nhất để bảo vệ được phi hành gia được giả định là 1 quả trứng.

Theo đó, một bên là quả trứng, và một bên là bình xịt nóng tới trên 800 độ C, nhưng phải làm sao để quả trứng ở bên kia không bị cháy. Nhóm của chúng tôi đã thực hiện thành công nhiệm vụ này. Qua hoạt động này, tôi thấy rõ ràng khoa học mang lại rất nhiều điều kỳ diệu mà chỉ có qua thực hành chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa và tác dụng to lớn của khoa học…

“Bản thân tôi nhận thấy nếu những bài học này được đưa vào trường học cho các em học sinh Việt Nam thì rất thú vị, các em sẽ thấy rất hào hứng. Bởi bản thân chúng tôi là giáo viên tham gia chương trình đều thấy rất thực tế và thú vị” - cô Giang chia sẻ.

Các giáo viên với mô hình thử nghiệm quả trứng
Các giáo viên với mô hình thử nghiệm quả trứng.

Qua những trải nghiệm thực tế đó, những phương pháp truyền đạt kiến thức của chương trình giúp ích gì cho cô trong chương trình giảng dạy của mình?

Là một giáo viên toán, tôi nhận thấy đây cũng là một môn học hơi khô khan và không phải học sinh nào cũng có thể giỏi được môn này và hiểu được mục đích học tập của mình. Sau chương trình này tôi sẽ cố gắng tìm những ví dụ thực tiễn để các em thấy môn toán rất gần gũi và các em có thể áp dụng ngay trong cuộc sống của mình. Ví dụ khi học về logarit, tôi có tham khảo sách nước ngoài thôi thấy có rất nhiều ứng dựng thực tế. Khi các em thấy được những thực tế đó thì các em sẽ hứng thú với môn học hơn.

Chúng ta đều nhận định rằng cảm hứng học tập nhiều lúc quan trọng hơn kiến thức. Tuy nhiên, có 1 quan điểm rất hay của chương trình là để truyền cảm hứng học tập cho học sinh trước hết phải đi từ cảm hứng của người giáo viên. Cảm hứng học tập mà khóa học truyền thụ cho cô có tác dụng như thế nào?

Tôi nghĩ học phải đi đôi với hành. Khi học lý thuyết thì người học có thể dễ dàng quên nhưng khi được thực hành thì các em sẽ nhớ nhiều hơn. Đặc biệt là các môn khoa học, các em sẽ hiểu được tuy là khoa học nhưng nó có thể áp dụng rất nhiều trong cuộc sống.

Khoa học mang lại rất nhiều điều kỳ diệu giúp ích cho con người và tôi nghĩ bản thân mình là giáo viên dạy toán nhưng qua khóa này tôi sẽ truyền đạt lại với các giáo viên ở các bộ môn khoa học khác cách xây dựng càng nhiều bài thực hành cho các em càng tốt. Với 1 vật chất, các em có thể làm được nhiều thứ khác nhau. Tôi cho rằng nó sẽ giúp ích cho các em rất nhiều bên cạnh việc chỉ học bằng lý thuyết.

Cô Giang đang giảng dạy cho học sinh.
Cô Giang đang giảng dạy cho học sinh..

Cô có thể đưa ví dụ cụ thể mà cô nghĩ mình sẽ áp dụng trong 1 tiết giảng của mình trong tương lai?

Tôi đã học được từ khóa học này là từ những vật chất rất đơn giản như tấm bìa, bong bóng, quả trứng, vỏ chai có thể làm được 1 cái tàu vũ trụ và làm được 1 cái xe có thể hoạt động. Tôi nghĩ những cái này học trò của tôi hoàn toàn có thể làm được và các em sẽ rất thích thú. Ngoài ra, các em có thể tính quãng đường, vận tốc cho con tàu của mình.

Cô Nguyễn Thị Phương Giang là Thạc sỹ chuyên ngành Nghiên cứu Giảng dạy tốt nghiệp Đại học Hawaii at Manoa, Honolulu, HI, Hoa Kỳ. Hiện cô Giang là giáo viên bộ môn Toán tại trường Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên. Với 10 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục, cô Giang luôn tâm huyết trong việc truyền cảm hứng cho học sinh của mình trong môn Toán học và Khoa học. Năm 2005, cô Giang đã vinh dự nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh của năm. Đặc biệt năm 2013, cô Giang là giáo viên Việt Nam đầu tiên đã được lựa chọn nhận học bổng chương trình Đào tạo của Honeywell tại Trung tâm Vũ trụ & Tên lửa Hoa Kỳ.

Trân trọng cảm ơn cô!

Theo Hồng Hạnh
Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG