Giáo dục STEM và nghiên cứu 'giật mình' của một thạc sỹ

Giáo dục STEM và nghiên cứu 'giật mình' của một thạc sỹ
TPO - Nhóm nghiên cứu của ThS. Trần Thị Hương Giang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tập trung tìm hiểu về bình đẳng giới trong sách giáo khoa và chỉ ra nhiều bất cập.

Tại hội thảo quốc gia phát triển giáo dục STEM cho trẻ em gái ở Việt Nam do Viện Khoa học Giáo dục, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng UNESCO cùng một số đơn vị khác tổ chức trong 5 ngày từ hôm qua 27/3, đến 31/3, một lần nữa vấn đề bất bình đẳng giới trong SGK lại được đề cập đến. 

Nhóm nghiên cứu của ThS. Trần Thị Hương Giang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tập trung tìm hiểu về bình đẳng giới trong SGK các môn học STEM ở Việt Nam.

Cụ thể có tổng số 45 cuốn sách trong đó có 15 cuốn ở tiểu học và 30 cuốn ở THCS.  Khảo sát của nhóm cho thấy tham gia viết SGK các môn STEM có tổng số 187 tác giả thì có 145 tác giả nam và có 42 tác giả nữ. Trong các bài viết bằng chữ, tổng số các nhân vật được mô tả (gồm cả tên riêng hoặc danh từ chung) thì có 182 nhân vật nam và chỉ có 98 nhân vật nữ.

Có thể thấy đa phần trong các nội dung bài viết, các nhân vật nam được đề cập nhiều hơn nhân vật nữ, đặc biệt có sự chênh lệch đáng kể là môn Tin học, Sinh học và Vật lý.  Tranh minh họa trong SGK nhân vật nam cũng chiếm tỷ lệ nhiều hơn nữ.

Trong số hơn 8.000 nhân vật xuất hiện trong các cuốn sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, chỉ có 24% là nữ giới. Càng lên các cấp học cao, sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ càng lớn hơn. Ví dụ, ở tiểu học, số nhân vật nam chiếm 51%, lên đến THCS là 67% và THPT là tới 81%.

Nhóm nghiên cứu của ThS.Trần Thị Hương Giang cũng cho thấy trên cơ sở phân tích nội dung các SGK STEM, sự xuất hiện của cả nhân vật chính và nhân vật phụ cho thấy phụ nữ thường tham gia vào những ngành nghề đơn giản, ít đòi hỏi chuyên môn, mà nếu là tri thức thì lại luôn gắn với giáo viên, bác sĩ, y tá. Nam giới thường xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực đòi hỏi yêu cầu trình độ chuyên môn cao cũng như thể lực, sức khỏe tốt.

“Trong 45 SGK nghiên cứu, có 66 nhà khoa học được đề cập tới cả trong hình ảnh và bài viết, tất cả số này đều là nam giới. Hoàn toàn không có nữ giới là nhà nghiên cứu hay nhà khoa học. Nam giới tham gia lĩnh vực này vẫn là tuyệt đối” – ThS. Hương Giang khẳng định.

Trước những bất cập được đưa ra, ThS. Hương Giang đã đưa ra một số khuyến nghị cho SGK chương trình phổ thông mới. Theo đó, nếu có thể, cần có riêng SGK về giáo dục STEM. Trong SGK cũng nên có thêm các hình ảnh có sự hiện diện của trẻ em gái trong bài học.

Vai trò của phụ nữ và trẻ em gái cũng nên phản ánh thực sự những gì họ đang tham gia trong xã hội. Khi soạn thảo SGK, cần có sự tham khảo ý kiến của các ban ngành khác nhau để đảm bảo SGK xuất bản sẽ chú trọng bình đẳng giới...

  • STEM viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học).
  • Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
  • Các kiến thức và kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.
  • Giáo dục STEM sẽ phá đi khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc “tức thì” trong môi trường làm việc có tính sáng tạo cao.
MỚI - NÓNG