Đại tá Huỳnh Việt Hòa – Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang cho biết, theo quy định, bước đầu bố trí mỗi xã có 5-7 công an chính quy; việc thực hiện đề án bước đầu được bà con và các ngành đánh giá cao.
“Công an các xã đã phát hiện 334 vụ tội phạm, tăng 4,7%. Mặc dù số vụ tăng nhưng so với lực lượng bán chuyên trách trước đây thì hiệu quả của công an chính quy là tốt hơn. Trong năm 2022, qua lấy ý kiến của cử tri và các sở, ban, ngành, việc đưa công an chính quy về xã đã đem lại kết quả tích cực”, ông Huỳnh Việt Hòa cho hay.
Đại tá Huỳnh Việt Hòa - Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang trả lời chất vấn. |
Về phản ánh của cử tri cho rằng khi người dân gọi, lực lượng công an xã đến chậm và nói là ‘phải làm theo quy trình’, Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang cho biết: “Ban Giám đốc Công an tỉnh cũng đã nắm. Tôi đi tiếp xúc cử tri, bà con cũng phản ánh tình trạng này. Cử tri cũng hết sức thông cảm và chia sẻ với lực lượng công an. Theo quy định, hiện nay bố trí ít nhất 5 đến 7 đồng chí cho mỗi xã, trong khi địa bàn một số xã rất rộng, rồi cùng một lúc trong xã có nhiều sự việc xảy ra. Do đó, lực lượng công an không xuống sớm được như mong muốn của bà con. Rất mong bà con chia sẻ cho lực lượng công an”.
Đại tá Huỳnh Việt Hòa cho biết, thời gian tới, Công an tỉnh đề xuất Bộ Công an tăng cường biên chế cho lực lượng công an tỉnh, đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết tiếp tục bố trí lực lượng công an bán chuyên trách tại ấp, khu vực. Dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh vào kỳ họp giữa năm 2023. Nếu được thông qua, mỗi một ấp, khu vực sẽ được bố trí một công an bán chuyên trách, "khi đó bà con báo sự việc thì công an sẽ đến nhanh hơn".
Đối với phản ánh về việc giao tiếp, trả lời chưa đúng với người dân của một số ít cán bộ công an xã, Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang cho hay, Công an tỉnh xin tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng này sớm nhất.
Thông tin về tội phạm sử dụng công nghệ cao, Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang cho biết: Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nhưng trên thực tế, nhiều người dân đã trở thành nạn nhân. Về tình trạng đòi nợ do người dân tham gia hình thức cho vay lãi nặng, vay trực tuyến thông qua app. Cũng có những trường hợp các đối tượng xấu cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của nạn nhân rồi yêu cầu nạn nhân trả lại tiền kèm theo lãi suất…
Trong năm 2022, lực lượng công an toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 10 vụ, 20 đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó có 3 vụ lừa đảo qua mạng. Việc đấu tranh với tội phạm tín dụng đen, lừa đảo qua mạng là rất khó khăn, do các đối tượng không ở trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng công an khuyến cáo người dân khi có nhu cầu vay vốn thì trực tiếp liên hệ với các tổ chức tín dụng để được tư vấn, hỗ trợ, không vì tiện lợi mà tham gia vay vốn qua app, không thực hiện theo các yêu cầu của người lạ gọi đến. Các đối tượng gọi điện yêu cầu hay mời làm việc đều là hành vi lừa đảo, ngành công an không mời bà con lên làm việc bằng điện thoại, tất cả đều bằng thư mời.
“Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cũng mới được thành lập. Do đó, công tác điều tra, xử lý các đối tượng lừa đảo qua mạng sẽ được chuyên nghiệp hơn” – Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang cho hay.