Hậu Giang tăng trưởng kinh tế kỷ lục, đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 2022, tỉnh Hậu Giang hoàn thành toàn diện 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, có 13/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó một số chỉ tiêu rất trọng yếu. Đặc biệt, phát triển kinh tế tiếp tục là điểm sáng với mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu vùng ĐBSCL và thứ 4 cả nước.

Sáng 8/12, phát biểu tại kỳ họp thứ 13 (kỳ họp cuối năm 2022) HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X nhiệm kỳ 2021- 2026, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, năm 2022, tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Cụ thể, hoàn thành toàn diện 18/18 chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, có 13/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó một số chỉ tiêu rất trọng yếu như: tăng trưởng kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tổng số doanh nghiệp hoạt động; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; GRDP bình quân đầu người.

Hậu Giang tăng trưởng kinh tế kỷ lục, đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành phát biểu tại kỳ họp.

Đặc biệt, phát triển kinh tế tiếp tục là điểm sáng, tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay (13,94%), đứng đầu vùng ĐBSCL và vươn lên thứ 4 cả nước (tăng trên 30 bậc so với năm 2021).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, giảm tỷ trọng khu vực I, tăng mạnh khu vực II (tăng 6,14%), đưa tỷ trọng khu vực kinh tế công nghiệp lần đầu tiên cao hơn khu vực kinh tế nông nghiệp (30,23% so với 23,71%).

Thu ngân sách trên địa bàn tiếp tục đà tăng ấn tượng, đạt gần 6.000 tỷ đồng, hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh và vượt 31% dự toán trung ương giao, bằng 1,6 lần số thu ngân sách năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người tăng 19,45% so với năm trước, đạt mức 65,41 triệu/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, giảm 1,46%...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, bên cạnh những kết quả đạt được, cần nhận diện còn một số hạn chế, khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 cao nhưng trên nền tảng tăng thấp của năm 2021 do đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chững lại, quý cuối năm tăng thấp hơn 9 tháng đầu năm (9 tháng tăng 14,74%, cả năm còn 13,94%); cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể còn hạn hẹp.

Tổng giá trị vốn đầu tư toàn xã hội vẫn thấp, chưa có tăng trưởng đột phá. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn xếp thứ hạng thấp, đứng thứ 9 trong khu vực và 38 cả nước. Hai điểm nghẽn lớn nhất về chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng chiến lược cần kiên quyết, kiên trì tháo gỡ…

Hậu Giang tăng trưởng kinh tế kỷ lục, đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2

Kỳ họp cuối năm 2022 HĐND tỉnh Hậu Giang.

Trước đó, báo cáo tại kỳ họp, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2022 nhưng tỉnh cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể như: công tác giải phóng mặt bằng đối với một số dự án còn chậm; giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng, làm giá thành sản phẩm tăng cao, giảm sức cạnh tranh và gây khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Do đó, để thực hiện đạt và vượt 18 chỉ tiêu đề ra trong năm 2023 là nhiệm vụ không dễ và đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn nữa của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

HĐND tỉnh Bình Dương xem xét nhiều vấn đề quan trọng

Cùng ngày, kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Bình Dương khoá X chính thức khai mạc. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng cho biết, Kỳ họp có rất nhiều nội dung liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Cụ thể, kỳ họp sẽ đánh giá, thảo luận về tình hình, kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng an ninh (QP-AN) trên địa bàn tỉnh trong năm 2022, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Trong đó, các đại biểu thảo luận đưa ra các giải pháp nhằm phục hồi phát triển KT-XH, giải quyết tốt việc làm, chăm lo, cải thiện đời sống nhân dân.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Bình Dương sẽ thảo luận, xem xét thông qua các Nghị quyết thuộc các lĩnh vực như: Quyết định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2023 - 2025; Dự toán ngân sách, Kế hoạch đầu tư công năm 2023; Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030; Phê duyệt biên chế công chức, người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và Hội có tính chất đặc thù năm 2023.

Hậu Giang tăng trưởng kinh tế kỷ lục, đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long ảnh 3

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND đối với ông Phạm Văn Chánh

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Bình Dương sẽ xem xét ban hành một số chế độ, chính sách đặc thù như: Chính sách hỗ trợ mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế cho một số đối tượng; hỗ trợ học phí năm học 2022-2023; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt nông thôn; hỗ trợ tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ cán bộ Hội Chữ thập đỏ, Đại đội Dân quân thường trực cấp tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Kỳ họp còn quan tâm hướng tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn một cách thực chất, nhất là trong tình hình nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc ngừng hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, đời sống người lao động, an ninh công nhân, an ninh đô thị.

MỚI - NÓNG