Tội phạm giả mạo Công an, Viện Kiểm sát lừa gần 100 tỷ đồng của người dân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giả danh Công an, Viện Kiểm sát là chiêu trò cũ nhưng không ít nạn nhân vẫn bị lừa, thậm chí có người mất đến vài tỷ đồng chỉ vài phút sau khi nghe cuộc điện thoại.

Ngày 28/11, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương cho biết, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tiếp nhận 44 tin báo, tố giác tội phạm (chưa kể các tố giác, tin báo do các đơn vị khác tiếp nhận) lừa đảo bằng thủ đoạn mạo danh công an, kiểm sát viên gọi điện yêu cầu chuyển tiền để 'xác minh, điều tra', gây thiệt hại tài sản của người dân trị giá gần 100 tỷ đồng.

Đơn cử vừa qua, các đối tượng gọi điện thoại cho chị N.T.T (ngụ Bình Dương) tự xưng là cán bộ công an, Viện kiểm sát, Toà án thông báo chị T có liên quan đến một đường dây mua bán trái phép chất ma tuý.

Các đối tượng yêu cầu chị T truy cập vào địa chỉ website: “congan.113hanoi.com” (địa chỉ giả mạo) để xem “Lệnh bắt tạm giam”, “Quyết định ban hành tài khoản tạm giữ phục vụ điều tra”.

Biết chị T lo sợ, nhóm này yêu cầu nạn nhân chuyển hơn 1,8 tỷ đồng vào tài khoản do các đối tượng chỉ định với lí do để “phục vụ điều tra” hòng chiếm đoạt.

Sau khi chuyển tiền, biết mình bị lừa, chị T đã đến cơ quan công an trình báo vụ việc.

Tội phạm giả mạo Công an, Viện Kiểm sát lừa gần 100 tỷ đồng của người dân ảnh 1

Chỉ ít phút sau khi nghe số máy lạ, nữ sinh ở Bình Dương mất 3 tỷ đồng

Tương tự, mới đây, một nữ sinh đến Công an tỉnh Bình Dương trình báo bị lừa đảo, chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng sau khi nghe điện thoại và làm theo hướng dẫn.

Chị B.T.T.T là sinh viên của một trường đại học ở Bình Dương. Trong đơn, chị T cho biết, trước đó chị nhận cuộc gọi từ số máy lạ yêu cầu đến Công an để làm việc.

Đối tượng thông báo chị T có liên quan đến một đường dây rửa tiền, đồng thời gửi cho chị nhiều văn bản của Công an, Viện kiểm sát thể hiện chị T là nghi can vụ án rửa tiền.

Để chứng minh mình vô tội, chị T đồng ý hợp tác để điều tra và sau đó, đối tượng yêu cầu chị chuyển tiền qua tài khoản để tiến hành kiểm tra, nếu không liên quan thì chúng sẽ chuyển trả lại. Đối tượng đề nghị chị T tuyệt đối giữ bí mật thông tin.

Vì lo sợ, chị T đã âm thầm chuyển khoản nhiều đợt, tổng cộng số tiền gần 3 tỷ đồng vào 2 tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi chuyển khoản cho đối tượng, không thể liên lạc được với các đối tượng, chị đến trình báo sự việc với công an. Khi trình báo, chị đã bị lừa mất 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chị T chưa chứng minh được nguồn gốc số tiền 3 tỷ đồng. Công an địa phương vẫn đang tiếp tục điều tra.

Tội phạm giả mạo Công an, Viện Kiểm sát lừa gần 100 tỷ đồng của người dân ảnh 2

Một thiếu tá công an "dỏm" bị bắt giữ tại Bình Dương

Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo, ngành chức năng không làm việc với người dân qua điện thoại hoặc mạng xã hội, mà sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập khi cần làm việc.

Cơ quan chức năng cũng không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh xác minh hay gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội. Người dân tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng... qua điện thoại và mạng Internet.

Đặc biệt, người dân không nên truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.