Giải quyết tình trạng thiếu thuốc điều trị

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ Y tế và các địa phương đang áp dụng nhiều biện pháp giải quyết tình trạng thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết chu kì dịch sốt xuất huyết (SXH) rơi vào năm nay; nguy cơ SXH vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu địa phương nâng cao vai trò thu dung, điều trị và phân độ SXH tại các cơ sở y tế; chuẩn bị phương tiện, vật tư, thuốc men sẵn sàng cấp cứu hồi sức. Tránh tình trạng để người bệnh bị sốc do SXH. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lí khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thông tin: “Năm nay, số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kì 2 năm trước. Số trẻ em tử vong do SXH nhiều hơn người lớn”.

Giải quyết tình trạng thiếu thuốc điều trị ảnh 1

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám bệnh nhân sốt xuất huyết

Các cơ sở y tế ở TPHCM phản ánh, tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử trong điều trị SXH như HES 200, Dextran 40, Dextran 70 và các thuốc vận mạch (như Dopamin) diễn ra tại nhiều nơi. Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh phác đồ điều trị, sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130 để thay thế. Tuy nhiên, do HES 130 không nằm trong phác đồ chính thức của Bộ Y tế nên chưa được Bảo hiểm y tế thanh toán. Về vấn đề này, ông Vương Ánh Dương, Cục phó Cục quản lí khám chữa bệnh, cho biết đang đặt hàng Thái Lan, nơi sản xuất chủ yếu các loại dịch truyền điều trị SXH, nhưng phải đến tháng 12 mới có.

Liên quan việc sử dụng dung dịch HES 130 thay thế HES 200 trong điều trị SXH, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lí khám chữa bệnh, cho biết, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa dung dịch HES 130 vào phác đồ chính thức điều trị SXH để được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán. Đơn vị cũng sẽ sửa đổi phác đồ điều trị SXH phù hợp với tình hình thực tế, như thêm phác đồ cho thai phụ mắc SXH, bệnh nhân SXH mắc kèm COVID-19...

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng ngành y tế địa phương cần tham mưu, chủ động xây dựng kế hoạch để UBND các tỉnh, thành cùng vào cuộc phòng chống dịch SXH. Bà cũng lưu ý các tỉnh phải tự chủ động mua sắm hóa chất và kinh phí vì việc này đã được giao về cho địa phương, không thể lấy lí do chưa đấu thầu hay sợ đấu thầu mà làm chậm trễ. Theo Sở Y tế TPHCM, các bệnh viện đã có kết quả đấu thầu nên thuốc và vật tư y tế phục vụ điều trị các loại bệnh nói chung và bệnh SXH nói riêng đã đáp ứng đầy đủ.

Trong khi đó, Đồng Tháp giám sát ca bệnh bằng cách duy trì hệ thống báo cáo ngày, tuần và phản hồi thông tin đầy đủ cho tuyến huyện, đảm bảo việc phát hiện sớm ca bệnh và xử lí ổ dịch triệt để, kịp thời trong vòng 48 giờ. Chủ động chỉ đạo tuyến huyện mở rộng bán kính xử lí ổ dịch tại những nơi có nguy cơ cao. Tỉnh cũng duy trì hoạt động giám sát véc tơ hằng tháng để phát hiện sớm sự gia tăng của véc tơ truyền bệnh SXH.

MỚI - NÓNG