Giải mã xung đột Armenia-Azerbaijan: 'Ông kẹ' Nga và sự vào cuộc của Thổ Nhĩ Kỳ

Nga bán vũ khí cho cả hai đối thủ. Trong ảnh: Xe tăng do Nga sản xuất trong quân đội Azerbaijan tham chiến
Nga bán vũ khí cho cả hai đối thủ. Trong ảnh: Xe tăng do Nga sản xuất trong quân đội Azerbaijan tham chiến
TPO - Không giống như nhiều cuộc xung đột đã “đóng băng” khác ở Liên Xô cũ, tranh chấp Nagorno-Karabakh hầu như do các tác nhân địa phương thúc đẩy. Nga vẫn là tác nhân bên ngoài quan trọng nhất, nhưng khả năng quản lý, kiểm soát ít hơn nhiều, xung đột còn hạn chế. Nhưng đã nổi lên vai trò của người Thổ.

Nga duy trì tới 5.000 binh sĩ ở Armenia, điều mà hầu hết người Armenia chấp nhận để đảm bảo an ninh cho họ. Mặc dù đã đứng về phía Armenia trong suốt cuộc xung đột, Moscow cũng đã vun đắp quan hệ với Azerbaijan và là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho cả hai bên. Khi quan hệ của Azerbaijan với phương Tây xấu đi trong những năm gần đây trong bối cảnh mối quan tâm đến dự trữ dầu và khí đốt của họ ngày càng giảm và lo ngại ngày càng tăng về sự cai trị độc đoán của Aliyev, Nga đã tiến thêm các bước xích lại gần Baku.

Theo tạp chí Foreign Affairs, mặc dù Matxcơva không “chỉ đạo” gì ở đây, nhưng cả Baku lẫn Yerevan đều hiểu rằng mọi giải pháp cho cuộc xung đột chỉ có thể đến với sự hỗ trợ của Nga. Trong các đợt giao tranh trước đó (bao gồm cả cuộc hồi tháng 7), các quan chức Nga đã góp phần làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn.

Ngày nay, Nga không có ích lợi gì trước một cuộc xung đột rộng lớn hơn, có thể buộc nước này phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc thực hiện các cam kết của mình với Armenia và dành thêm nguồn lực cho khu vực Nam Caucasus vào thời điểm nước này đã tham gia trên nhiều mặt trận khác.

Người Thổ nhảy vào cuộc

Mặc dù Nga vẫn là nhà môi giới quyền lực quan trọng nhất, nhưng một thế lực bên ngoài khác có quan hệ lịch sử với khu vực ngày càng tìm cách định hình kết quả của cuộc xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía Azerbaijan trong cuộc xung đột ban đầu vào những năm 1990, và hai nước chia sẻ mối quan hệ dân tộc và văn hóa chặt chẽ.

Các nhà bình luận và quan chức - chủ yếu là người Thổ Nhĩ Kỳ - mô tả mối quan hệ này là “một quốc gia, hai nhà nước”. Tuy nhiên, cho đến gần đây, sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào tranh chấp là tương đối hạn chế. Nhưng vì Ankara đã áp dụng một quan điểm quyết đoán hơn ở Trung Đông và đông Địa Trung Hải dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, nên họ đã trở nên thẳng thắn hơn trong việc ủng hộ Azerbaijan.

Trong năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã bán cho Azerbaijan nhiều loại vũ khí, bao gồm cả UAV, tên lửa và thiết bị tác chiến điện tử. Khi cuộc giao tranh bắt đầu ở Nagorno-Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ cũng hỗ trợ Azerbaijan mạnh mẽ về chính trị. Ông Erdogan tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “ở bên cạnh người bạn và người anh em Azerbaijan của chúng tôi” và yêu cầu Armenia ngay lập tức trả lại “lãnh thổ bị chiếm đóng”.

Các đảng đối lập chính của Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng với Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của Erdogan để thông qua nghị quyết lên án các hành động của Armenia. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã điều động lính đánh thuê Syria tới Azerbaijan, và Armenia trong tuần này tuyên bố rằng một chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một trong các máy bay chiến đấu của họ (điều này bị Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ).

Sự can dự ngày càng sâu của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nagorno-Karabakh là một trò chơi nguy hiểm. Ở Nam Caucasus, sự ủng hộ mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khuyến khích Baku đưa ra đường lối không khoan nhượng và chống lại những lời kêu gọi ngừng bắn nhằm duy trì một số phiên bản nguyên trạng. Sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể biến đổi cuộc xung đột vốn đã tồn tại trong đầu óc người Armenia, đặc biệt là trong bối cảnh đã có các cuộc thảm sát người Armenia trong Thế chiến thứ nhất bởi các lực lượng Ottoman từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Một trò chơi nguy hiểm

Mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển mạnh mẽ bất chấp sự cạnh tranh giữa hai nước. Nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Nagorno-Karabakh là thách thức công khai nhất của Ankara đối với ảnh hưởng của Nga ở Liên Xô cũ, nơi Moscow kiên quyết bảo vệ thế ưu việt của mình. Ngay cả khi Nga vẫn cam kết hạn chế giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan, sự hiện diện chồng chéo của các lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại nhiều chiến trường khác tạo cho Moscow nhiều cơ hội leo thang.

Thật vậy, sự tham gia trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nagorno-Karabakh làm tăng nguy cơ không chỉ ở Nam Caucasus mà còn ở khắp các khu vực mà Ankara và Moscow đang có mâu thuẫn. Hiện tại, hai nước đã ủng hộ các phe đối lập trong các cuộc xung đột ở Libya và Syria, nơi mà các lực lượng ủy nhiệm của họ thỉnh thoảng có các cuộc đụng độ, và có tham vọng không tương thích ở vùng Balkan và Ukraine. Ankara có thể coi sự tham gia của mình vào Nagorno-Karabakh một phần như một con bài thương lượng không chỉ ở Kavkaz mà còn trong mối quan hệ cạnh tranh rộng lớn hơn với Moscow.

Và sự tham gia của lính đánh thuê Thổ Nhĩ Kỳ từ Syria, một chiến địa khác nơi các lợi ích của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xung đột, cho thấy cuộc xung đột Nagorno-Karabakh lần này có thể không chỉ giới hạn ở Nam Caucasus.

Giao tranh được tái tạo trong và xung quanh Nagorno-Karabakh không phải là điều bất ngờ. Tuy nhiên, quy mô của các cuộc đụng độ đang diễn ra, vai trò nổi bật hơn của Thổ Nhĩ Kỳ và khả năng xung đột lan sang các khu vực tranh chấp khác đã làm tăng hậu quả đáng kể. Hiện tại, Nga, đang kêu gọi tất cả các bên giảm leo thang, dường như đã mất cảnh giác trước mức độ của cuộc giao tranh và vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong đó.

Một phần nhờ thành công gần đây trong việc xây dựng quan hệ với Baku, Moscow vẫn miễn cưỡng đứng về phía nào hoặc can thiệp trực tiếp. Nga là cường quốc bên ngoài duy nhất ở vị thế buộc các bên quay trở lại bàn đàm phán. Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa vai trò hòa giải truyền thống của Nga, nhưng Moscow vẫn có đòn bẩy chính trị và tài chính đáng kể để thúc đẩy cuộc giao tranh ngừng lại. Họ nên làm như vậy, ngay cả khi mọi thứ phụ thuộc vào các nhân vật chính ở Baku và Yerevan có muốn lùi lại từ bờ vực hay không.

(*) Quan điểm và các dữ kiện trong bài do Foreign Affair đưa ra, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.