Nagorno-Karabakh và các khu vực xung quanh đã chứng kiến các đợt bùng phát bạo lực định kỳ trong những năm gần đây, nhưng cuộc giao tranh hiện tại là nghiêm trọng nhất kể từ khi Armenia và Azerbaijan ký kết thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994.
Theo tạp chí Foreign Affairs (*), các yếu tố chính trị trong nước ở cả hai nước đều chống lại sự thỏa hiệp. Bối cảnh quốc tế xung quanh cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh cũng đã thay đổi theo hướng làm phức tạp thêm các nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Đặc biệt, việc Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tham gia vào một cuộc xung đột mà Nga từ lâu có vai trò to lớn có nguy cơ khiến cả hai nhân vật chính - đặc biệt là Azerbaijan – thêm động cơ để tiếp tục chiến đấu và mở ra một mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh chiến lược Thổ Nhĩ Kỳ-Nga vốn đã nhấn chìm Syria, Libya, và ở mức độ thấp hơn là Ukraine.
Nguồn gốc của cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, theo Foreign Affairs, có thể bắt nguồn từ quyết định của Điện Kremlin sáp nhập khu vực có đa số là người Armenia trong vào cộng hòa Azerbaijan thuộc Liên Xô. Khi Moscow nới lỏng các hạn chế đối với việc vận động quần chúng vào cuối những năm 1980, người Armenia bắt đầu yêu cầu chuyển giao vùng Nagorno-Karabakh về tay Armenia. Moscow từ chối, và khi Liên Xô sụp đổ vài năm sau đó, một cuộc chiến toàn diện đã nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan, khiến khoảng 30.000 người chết và hơn một triệu người phải di tản.
Azerbaijan khi đó do nhà dân tộc chủ nghĩa gốc Thổ Nhĩ Kỳ Abulfaz Elchibey lãnh đạo trong phần lớn cuộc xung đột, Các lực lượng Nga đa số ủng hộ phe Armenia. Một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian đã kết thúc chiến tranh vào tháng 5 năm 1994, nhưng không giải quyết được tranh chấp cơ bản: ngày nay, Nagorno-Karabakh và bảy quận xung quanh thuộc quyền kiểm soát của Armenia, nhưng Azerbaijan coi đó là chiếm đóng bất hợp pháp. Mặc dù Nagorno-Karabakh thường ít được chú ý ở phương Tây, nhưng có lẽ đây là điểm nóng nguy hiểm nhất trên khắp khu vực Âu-Á thời hậu Xô Viết.
Các cuộc đụng độ hiện tại nổ ra vào ngày 27 tháng 9, đôi bên sử dụng các dàn pháo và triển khai thiết giáp hạng nặng dọc theo “Đường liên lạc” ngăn cách Nagorno-Karabakh do Armenia kiểm soát với lãnh thổ Azerbaijan. Trong khi mỗi bên đổ lỗi cho bên kia nổ súng đầu tiên, các nhà quan sát địa phương đã báo cáo trong nhiều tuần rằng leo thang dường như sắp xảy ra. Cả hai quốc gia đều tuyên bố thiết quân luật và huy động một phần lực lượng dự bị, cho thấy họ kỳ vọng xung đột sẽ kéo dài.
Các clip về giao tranh tuần này được đăng trên mạng cho thấy bằng chứng về các cuộc xung đột có sự tham gia của pháo binh, thiết giáp, máy bay không người lái (UAV) và lực lượng bộ binh. Hôm thứ Hai, Stepanakert, thủ phủ của Nagorno-Karabakh, bị pháo kích.
Chính trị trong nước chống lại sự thỏa hiệp
Đây không phải là cuộc đụng độ đầu tiên kể từ khi ngừng bắn năm 1994. Việc bắn tỉa lẻ tẻ trên Đường liên lạc là phổ biến. Vào tháng 4 năm 2016, Azerbaijan đã tấn công của chiếm lại một số điểm cao chiến lược, khiến khoảng 200 người thiệt mạng. Mặc dù Moscow đã thuyết phục hai chính phủ quay trở lại thực hiện lệnh ngừng bắn sau vài ngày, nhưng cuộc đụng độ là một dấu hiệu cảnh báo rằng hiện trạng - đã được giữ nguyên từ năm 1994 - có nguy cơ bị phá bỏ. Các cuộc giao tranh dọc theo Đường liên lạc lại bùng phát vào tháng 7 năm 2020, làm gia tăng căng thẳng và có khả năng sẽ có thêm xung đột.
Không giống như những trận giao tranh trước đây, trận chiến này có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể đối với hiện trạng. Baku và Yerevan đều phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng phải dùng đến các biện pháp nặng tay. Tại Armenia, chính phủ của Thủ tướng Nikol Pashinyan - lên nắm quyền sau một cuộc binh biến vào năm 2018 mà Nga phản đối - đang lo lắng về những gì họ cho là sự ủng hộ ngày càng rõ nét của Moscow trong việc duy trì hiện trạng. Bất chấp một số dấu hiệu ban đầu cho thấy ông sẽ cởi mở hơn với một giải pháp thương lượng, Pashinyan đã có một đường lối cứng rắn hơn, bao gồm cả việc kêu gọi Nagorno-Karabakh được chính thức hội nhập vào Armenia.
Điểm nóng hậu Xô Viết
Ở Azerbaijan, suy thoái kinh tế và sự thất vọng trước sự cai trị độc đoán của Tổng thống Ilham Aliyev đã khiến dân chúng bất bình. Là bên thua cuộc trong cuộc chiến ban đầu, Baku đã công khai kêu gọi “thu hồi” Nagorno-Karabakh để huy động làn sóng ủng hộ hơi hướng chủ nghĩa dân tộc nhưng có nguy cơ bị dư luận phản đối. Trong cuộc giao tranh vào mùa hè này, những người biểu tình đã xông vào tòa nhà quốc hội ở Baku để đòi chiến tranh với Yerevan.
Cuộc giao tranh cho đến nay bao gồm một cuộc tấn công của Azerbaijan vào Fizuli và Jabrayil, hai trong số các quận do Armenia chiếm đóng bên ngoài Nagorno-Karabakh có địa hình tương đối bằng phẳng, dễ tiến công. Phần lớn người Azeri (chiếm đa số ở Azerbaijan) đã chạy trốn trong cuộc chiến những năm 1990, và trong những năm gần đây, Yerevan đã bắt đầu định cư họ với người Armenia. Trong khi dân số của hai quận vẫn còn thấp, một cuộc tấn công tiếp theo của Azerbaijan vào vùng Nagorno-Karabakh có thể dẫn đến dòng người tị nạn đáng kể, có thể lên đến hàng trăm nghìn người.
(*) Quan điểm và các dữ kiện trong bài do Foreign Affair đưa ra, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiền Phong.