‘Giai điệu tự hào’: Khi làn gió cổ điển thổi vào nhạc đỏ

‘Giai điệu tự hào’: Khi làn gió cổ điển thổi vào nhạc đỏ
TPO - Nhạc Việt trong giai đoạn chuyển giao, với những sự thử nghiệm tươi mới và táo bạo. Phạm Thu Hà – Giai điệu tự hào là một sản phẩm ấn tượng nằm trong số đó.  

Đĩa nhạc ra mắt vào đúng dịp cả nước trong những ngày lễ lớn như một dụng ý của nghệ sĩ. Ca sỹ Phạm Thu Hà cho biết đây là món quà cô dành tặng cho những khán giả yêu mến cô, đặc biệt là những người theo dõi Hà trong chương trình “Giai điệu tự hào”.

“Album là lời bày tỏ lòng biết ơn của tôi, dành cho thế hệ cha anh đi trước đã cống hiến, hy sinh cho nền hòa bình mà tôi và thế hệ sau đang được hưởng bây giờ”, Phạm Thu Hà tâm sự.

Lấp lánh những ánh sắc riêng

Đĩa nhạc tổng hợp nhưng “Giai điệu tự hào” không phải là một sản phẩm với các bài hát góp nhặt thành đĩa. Người nghe tinh tế dễ dàng nhận ra sợi chỉ xuyên suốt trong album.

Đó là câu chuyện của chuyến tàu thống nhất từ Bắc vào Nam, từ núi rừng Tây Bắc (Tiếng hát giữa rừng Pác Bó) tới thủ đô gió ngàn (Người Hà Nội), rồi đến Tây Nguyên xa xôi (Tiếng đàn Ta lư, Cánh chim báo tin vui…). Bên cạnh những xúc cảm riêng trong từng bài, tổng thể đĩa nhạc toát lên niềm vui thống nhất, của độc lập và tự do.

‘Giai điệu tự hào’: Khi làn gió cổ điển thổi vào nhạc đỏ ảnh 1

Đã bao nhiêu thế hệ cất lên lời những bài ca đi cùng năm tháng ấy. Vậy nên khi hát lại, Phạm Thu Hà đặt mình vào thế khó của sự so sánh. Chưa kể người nghe sẽ hỏi, một giọng ca bán cổ điển như cô sẽ mang lại dáng vẻ nào cho những bài hát vốn đã quá hay như thế?

Nhưng Phạm Thu Hà lại khá thong dong, không đặt nặng áp lực. Cô chọn cho mình cách cảm, cách hiểu và cách hát riêng. Thế nên giữa rất nhiều phiên bản, người nghe nhận ra cô trong một ánh sắc riêng: Giọng hát sang trọng, hào sảng nhưng thật gần gũi, chân thành.

Nói Phạm Thu Hà – Giai điệu tự hào sang trọng, bởi cô đã vận dụng một cách tinh tế vẻ đẹp của chất giọng bán cổ điển vào các ca khúc. Từ những đoạn giả thanh cao vút, trong trẻo nơi “Cánh chim báo tin vui”, hay sự biến báo linh hoạt trong trường ca “Người Hà Nội”, đến sự hào sảng, bi tráng trong “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân Đại Thắng”…

Những nét nhạc đặc trưng của đồng bào các dân tộc Pa Cô (Tiếng hát giữa rừng Pác Bó), dân tộc Vân Kiều  (Tiếng đàn Ta Lư), Tà Ôi (Lời ru trên nương)… được  cô thể hiện nhuần nhuyễn và linh hoạt cũng nhờ kỹ thuật được đào tạo bài bản đến thượng thặng của mình. Bên cạnh đó, tất nhiên, nếu không có sự nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ lưỡng về văn hóa, âm nhạc của từng vùng miền thì không thể làm được điều đó.

Ngoài nét mới nhờ ứng dụng chất giọng bán cổ điển vào xử lý ca khúc, Phạm Thu Hà còn được thêm một điểm cộng khác, nhờ vào các bản phối mới mẻ, đầy sự cấp tiến của các nhạc sĩ Thanh Phương, Lưu Hà An, Huyền Trung. Nhạc điện tử hòa trộn những giai điệu khá bắt tai, đôi chỗ khá ngẫu hứng không những không làm khán giả khó tính phật ý mà còn khiến người nghe trẻ thích thú và bị lôi cuốn bất ngờ.

‘Giai điệu tự hào’: Khi làn gió cổ điển thổi vào nhạc đỏ ảnh 2

Món quà âm nhạc từ trái tim đầy xúc cảm

"Giai điệu tự hào” như một món quà dành cho khán giả yêu thích nhạc đỏ, nhưng cũng là món quà mà Phạm Thu Hà dành cho chính mình, giúp cô thỏa nguyện, nói lên được tiếng lòng thẳm sâu của mình.

Nữ ca sĩ cho biết có nhiều lần hát các ca khúc cách mạng, cô nhập tâm và như chìm sâu vào cảm xúc của từng bài hát. Đến khi tiếng vỗ tay cuối cùng ngừng lại, nữ ca sĩ như nổi da gà. Đặc biệt với ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, khi cô đứng hát giữa địa đạo Củ Chi, trời mưa như trút nước, khung cảnh thật linh thiêng khiến cô vừa hát, vừa không cầm được nước mắt, lòng trào dâng những xúc cảm khó tả.

Hay trong ca khúc “Lời ru trên nương”, nữ ca sĩ cảm thấy sự đồng điệu lớn lao với người mẹ trong bài hát.“Hình ảnh bà mẹ Tà Ôi vừa địu con vừa giã gạo, dành dụm những hạt gạo trắng ngần khiến tôi vô cùng xúc động. Người phụ nữ thời nào cũng vậy, luôn tảo tần và muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái”, Hà cho hay.

Xét ở góc độ cá nhân, “Giai điệu tự hào” là đĩa nhạc Phạm Thu Hà dành cho chính cô và khán giả yêu mến cô.

Như vậy, sau khi kết hợp nhạc bán cổ điển với nhiều thể loại khác nhau như EDM, POP, Chillout…, với “Giai điệu tự hào”, Phạm Thu Hà đã nới rộng thêm lãnh địa trên con đường âm nhạc quá thênh thang mà cô chọn đi. Hình ảnh “họa mi bán cổ điển” vì thế càng thêm lộng lẫy hơn, với những thanh sắc đa dạng và tuyệt vời hơn.

MỚI - NÓNG